“Đại án” 2.000 tỷ đồng ở Agribank: Làm rõ vai trò của “đầu vụ”
(Dân trí) - Quá trình xét hỏi các bị cáo trong ngày 22/12, HĐXX tập trung làm rõ vai trò "đầu vụ" của Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.
“Sai khi cả nể Giám đốc”
Được HĐXX thẩm vấn đầu tiên trong sáng 22/12, bị cáo Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) cho biết, các việc làm vi phạm pháp luật của mình đều do sự chỉ đạo của Phạm Thị Bích Lương. Cụ thể, sau khi Công ty Enzo Việt hết hạn mức cho vay, dưới sự chỉ đạo của Lương, Kim Hiền đã giới thiệu Công ty của Lê Minh Hiếu (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty Vietmade), để công ty của Hiếu ký hợp đồng liên kết vay vốn đối với Công ty Enzo Việt.
Tuy nhiên, HĐXX chỉ rõ và bị cáo Hiền cũng thừa nhận đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định hàng hóa trong việc cho hai công ty của Hiếu vay mà không có tài sản đảm bảo.
Sau khi hoàn thành “phi vụ” này, bị cáo Hiếu đã mang 3 tỷ đồng “lại quả” tặng cho Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội. Bị cáo Hiền khẳng định, việc nhận “lại quả” đã được sự đồng ý của bị cáo Lương. Trong số 3 tỷ đồng trên, bị cáo Hiền được hưởng lợi 800 triệu đồng.
Ngoài ra, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội còn được Công ty CP Enzo Việt tặng 400 nghìn USD, chia cho các nhân viên theo chỉ đạo của bị cáo Lương.
Trả lời HĐXX, bị cáo Lê Minh Hiếu (SN 1974, lãnh đạo 2 công ty CP Vietmade và Lifepro Việt Nam) cho biết, qua sự giới thiệu của bị cáo Hiền, Hiếu đã thực hiện hợp đồng liên kết vay vốn của ngân hàng với Công ty Enzo Việt. Bị cáo Hiếu cho rằng, mình chỉ nhận được văn bản của ngân hàng và Công ty Enzo Việt về tài sản đảm bảo chứ bị cáo không có quyền quản lý hàng hóa nhập về.
Bị cáo Hiếu cho biết, với hợp đồng liên kết này, Hiếu nhận được hơn 19,4 tỷ đồng. Hiếu “tặng” 3 tỷ đồng cho Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, còn lại sử dụng vào việc kinh doanh của công ty mình.
Bị HĐXX thẩm vấn, Đỗ Tiến Long (SN 1975, cán bộ phòng tín dụng Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội) khẳng định, nguyên Giám đốc Phạm Thị Bích Lương đã chỉ đạo bị cáo phải làm bằng được hồ sơ để cho hai công ty Lifepro VN và Công ty CP Vietmade của Lê Minh Hiếu vay tiền. Từ đó, Long đã ký vào nhiều hồ sơ, báo cáo thẩm định, báo cáo đề xuất cho vay 50 triệu USD để trả chi phí chuyển nhượng 6 thương hiệu…
Bị cáo Long cho biết, các số tiền liên quan để giải ngân cho các công ty đều do bị cáo Lương chỉ đạo. Long nhận thức việc làm của mình là sai, “nhưng bị cáo đã sai khi cả nể giám đốc” - bị cáo Long nói.
Bị cáo Đặng Quang Chung (SN 1977, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách phòng tín dụng, Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội) thừa nhận trước tòa, bị cáo Lương và Hiền chỉ đạo phòng tín dụng thẩm định hồ sơ theo đúng quy trình để cho hai công ty của Lê Minh Hiếu vay tiền. Bị cáo Chung khẳng định, các hành vi của mình là làm theo chỉ đạo của Phạm Thị Bích Lương.
Theo lời khai của bị cáo Chung, Chung hưởng lợi 50.000USD và hiện mới khắc phục được 780 triệu đồng.
Bị cáo Trương Thị Út (SN 1967, nguyên Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) khai, trong hồ sơ giải ngân tiền để mua 6 thương hiệu theo đề nghị giải ngân của Công ty LD Lifepro Việt Nam còn thiếu báo cáo của phòng tín dụng, báo cáo thực hiện. Bị cáo Út đã không đồng ý nhưng Phạm Thị Bích Lương đã chỉ đạo qua điện thoại buộc giải ngân khoản tiền mua thương hiệu cho doanh nghiệp. Từ đó, bị cáo Út buộc phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của giám đốc.
“Đến giờ mới biết bị khách hàng lừa”
Trước vành móng ngựa ngày 22/12, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương, cho biết, đến thời điểm này bị cáo mới biết được khách hàng là Công ty CP Enzo Việt đã lừa đảo, hai công ty của bị cáo Lê Minh Hiếu đã làm sai lệch hồ sơ.
Về số tiền “lại quả” 3 tỷ đồng của bị cáo Hiếu, bị cáo Lương cho biết, số tiền này là do bị cáo Hiếu tự nguyện hoàn toàn. Bị cáo Lương không có bất kỳ sự chỉ đạo nào về số tiền này.
Trả lời HĐXX về số tiền 500 nghìn USD được 2 người nước ngoài chuyển thông qua tài khoản của vợ bị cáo Lê Minh Hiếu, bị cáo Lương cho biết, hai người này cho biết sẽ tiếp tục dự án đầu tư dự án ở Ninh Bình nên muốn đi cảm ơn lãnh đạo ngân hàng. Bị cáo Lương đã đến nhà bị cáo Phạm Thanh Tân (SN 1955, nguyên Tổng giám đốc Agribank) để đưa số tiền hơn 300 nghìn USD và một người khác số tiền 200 nghìn USD.
Đối chất về việc đưa - nhận tiền này, bị cáo Tân khẳng định có nhận tiền từ bị cáo Lương nhưng số tiền chỉ là 60 nghìn USD chứ không phải 300 nghìn USD. Trong khi đó, bị cáo Lương vẫn khẳng định đã đưa cho Phạm Thanh Tân 300 nghìn USD.
Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Phạm Thanh Tân trong quá trình điều hành đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Hội sở Ngân hàng Agribank. Số tiền này giữa tháng 5/2011, đã được Chi nhánh Nam Hà Nội trả 10 triệu USD.
Bị cáo Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, nguyên Ủy viên HĐQT Agribank) khai không nắm được việc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội cho Công ty CP Enzo Việt vay ngoài hạn mức vì đó là trách nhiệm của giám đốc chi nhánh.
Bị cáo Phan Quý Dương (SN 1978, Chuyên viên ban Tín dụng doanh nghiệp, Ngân hàng Agribank) được xác định có vai trò tổng hợp báo cáo từ chi nhánh đưa lên đối với việc trình dự án Luxfashion. Bị cáo Dương khai, Dương xây dựng bản báo cáo tổng hợp dựa trên báo cáo của chi nhánh, sau đó trình lên Tổng Giám đốc và HĐQT để có thể ra nghị quyết. Trong báo cáo của chi nhánh gửi lên Hội sở, bị cáo Dương cho biết không phát hiện ra việc thẩm định được thực hiện một cách gian dối.
Bị cáo Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó Tổng giám đốc Agribank, thừa nhận việc ký phê duyệt 2 lần nâng mức bổ sung vốn, thừa nhận việc ký tờ trình phê duyệt nâng quyền phán quyết vay bổ sung vốn lưu động hơn 5,2 triệu Euro, ký tờ trình cho vay bổ sung vốn lưu động hơn 164 tỷ đồng.
Về việc giải ngân số tiền 15 triệu USD, bị cáo Tuyến cho rằng mình không liên quan vì đấy là trách nhiệm của người tiền nhiệm vì thời điểm giải ngân số tiền này, bị cáo mới được phân công thay Phạm Thanh Tân phụ trách chức trách Tổng Giám đốc.
Sáng mai, 23/12, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Tiến Nguyên