Cựu tư lệnh Cảnh sát biển khai tham ô do thấy thủ trưởng đi công tác vất vả
(Dân trí) - Tại phiên xét xử, ông Nguyễn Văn Sơn, cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển luôn khẳng định việc tham ô là do thấy các thủ trưởng đi công tác vất vả.
Sáng 27/6, Tòa án Quân sự Thủ đô mở phiên xét xử 7 bị cáo nguyên là lãnh đạo, sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về tội Tham ô tài sản.
Cả 7 bị cáo gồm: Nguyễn Văn Sơn, (59 tuổi, cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển); Hoàng Văn Đồng (63 tuổi, cựu trung tướng, cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (61 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy); Phạm Kim Hậu (59 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (63 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh); Nguyễn Văn Hưng (57 tuổi, cựu đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu thượng tá, cựu Phó trưởng phòng Tài chính) đều bị truy tố về tội Tham ô tài sản.
An ninh thắt chặt
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, lực lượng quân đội có mặt đảm bảo an ninh trước trụ sở Tòa án Quân sự Thủ đô trên phố Tô Vĩnh Diện (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Để đảm bảo an toàn, người tham gia phiên tòa phải qua 2 lần kiểm tra an ninh.
Trong đó, cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn được xác định vai trò "chủ mưu".
Tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa thông báo vắng mặt 2 luật sư và một số người làm chứng.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, sự vắng mặt của những người này không thuộc trường hợp bắt buộc nên không ảnh hưởng đến phiên xét xử.
Sau đó, các bị cáo, luật sư, bị hại không có ý kiến gì về việc vắng mặt những người này.
Trước câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX) về hành vi phạm tội, đứng trước bục khai báo cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn khai, vào tháng 4/2018, khi nhận chức vụ Tư lệnh, bị cáo nhận thấy các thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đi công tác rất nhiều.
Từ ban, bộ, ngành đến cấp ủy 28 tỉnh thành ven biển, công tác đối ngoại vất vả, trong khi quỹ vốn đơn vị không có, làm kinh tế doanh nghiệp không nhiều.
Trước suy nghĩ đó, tháng 4/2019, trong bữa cơm ở phòng ăn của thủ trưởng bộ tư lệnh, ông Nguyễn Văn Sơn nêu vấn đề về việc tìm quỹ vốn cho các thủ trưởng hoạt động.
Đến tháng 2/2019, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển dự toán ngân sách chi quản lý hành chính 2019, trong đó 150 tỷ dành cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị.
Sau cuộc họp phân bổ ngân sách, ông Sơn đã chủ động đến gặp bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, cựu cục trưởng kỹ thuật) để "đặt vấn đề".
Bị cáo Hưng ban đầu nói số tiền ông Sơn đề xuất quá lớn, việc này rất khó khăn, không làm được nhưng sau khi được quán triệt đã nhận lời.
Sau khi nhận số tiền 50 tỷ, ông Sơn khai chia đều cho mình và 4 thủ trưởng khác, cùng là các bị cáo trong vụ án, mỗi người 10 tỷ đồng.
"Lúc đó không thể đấu tranh nổi"
Tại phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Văn Sơn luôn khẳng định phạm tội do thấy các thủ trưởng đi công tác vất vả.
"Đi công tác có chế độ nhà nước, sao vẫn phải bớt tiền ra chi tiêu?", Chủ tọa Phạm Minh Khôi chất vấn.
Ông Sơn đáp: "Bị cáo biết sai rồi".
Trước tòa, 4 người được ông Sơn chia tiền gồm: Hoàng Văn Đồng; Doãn Bảo Quyết; Phạm Kim Hậu; Bùi Trung Dũng đều thừa nhận việc nhận tiền là sai lầm lớn nhất trong đời nhưng không thể đấu tranh nổi.
Trong bữa cơm trưa tại phòng các thủ trưởng, khi được ông Nguyễn Văn Sơn nói về việc rút ruột 50 tỷ đồng chi tiêu riêng, cả 4 đều im lặng nhất trí, không bày tỏ quan điểm.
Sau khi nhận 10 tỷ đồng, cả 4 bị cáo đều thấy sai và phân vân về việc này nên chưa sử dụng, để nguyên tại cơ quan.
Riêng cựu thiếu tướng, phó Tư lệnh Bùi Trung Dũng cầm tiền về nhà nhưng chưa bao giờ mở ra, sẵn sàng nộp lại.
Đến tháng 6/2020, vụ án được phát giác khi ông Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng kèm 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng nhóm của mình.
Trước tòa, ông Hậu khai hành động này một phần do bản thân hối hận.
Khi làm việc với ban thanh tra, ông Hậu thấu đáo đây là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự, do đó đã báo cáo và trả lại tiền vì sợ bị trách nhiệm.
Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Hưng thừa nhận hành vi, song khẳng định không biết các thủ trưởng rút tiền để làm gì, cũng không được họp hành bàn bạc với ai.
Mối quan hệ của bị cáo với ông Nguyễn Văn Sơn là lệ thuộc, cấp trên và cấp dưới.
"Thủ trưởng bảo bớt thì bớt", ông Hưng khai và nói rằng lần trao đổi đầu tiên, ông Nguyễn Văn Sơn chỉ chia sẻ về những khó khăn của Bộ tư lệnh, chứ không giao nhiệm vụ có tính chất mệnh lệnh.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Hoàng Văn Đồng thừa nhận bản thân quá vô tư, đến bây giờ mới thấy rất nghiêm trọng.
Theo lời khai của ông Đồng, trong buổi ăn cơm tại phòng ăn, ông Nguyễn Văn Sơn nói là không có nguồn kinh phí cho các thủ trưởng nên muốn chỉ đạo Cục Kỹ thuật rút tiền trong nguồn vừa được phân bổ.
"Việc rút 50 tỷ đồng là quá sai. Đó là sai lầm lớn trong cuộc đời tôi, tôi vô cùng áy náy nhưng lúc đó không thể đấu tranh nổi", bị cáo Đồng khai.
Theo bản cáo trạng, năm 2019 Cục Kỹ thuật Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam được phân bổ 179 tỷ đồng từ ngân sách để mua sắm vật tư, thiết bị cho các đơn vị.
Cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu cựu Cục trưởng Nguyễn Văn Hưng phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ tư lệnh.
Để việc tham ô dễ thực hiện, bị cáo Sơn chỉ đạo bị cáo Bùi Văn Hòe cắt toàn bộ kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 vùng cảnh sát biển, nhằm có thêm nguồn tiền phân bổ cho Cục Kỹ thuật.
Sau đó, bị cáo Hưng yêu cầu 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật khi chi tiêu ngân sách phải rút lại 50 tỷ đồng để chuyển lại cho thủ trưởng Bộ tư lệnh. Các trưởng phòng sau đó đặt vấn đề với nhà thầu để nâng giá vật tư, thiết bị.
Từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020, các nhà thầu chuyển lại 50 tỷ đồng cho các trưởng phòng.
Sau đó, các trưởng phòng chuyển cho bị cáo Hưng, rồi bị cáo này chuyển cho Nguyễn Văn Sơn.
Bị cáo Sơn chia cho mình cùng các bị cáo Đồng, Hậu, Quyết và Dũng mỗi người 10 tỷ đồng.