Cựu Tổng giám đốc SCB: Nhân viên ngân hàng cũng không còn gì

Xuân Duy

(Dân trí) - "Bị cáo rất đau xót về thiệt hại trước mắt, xin các trái chủ cho thêm thời gian để sự việc được giải quyết ổn thỏa, những nhân viên SCB cũng không còn gì cả", cựu Tổng giám đốc SCB nói.

Chiều 24/9, HĐXX TAND TPHCM xét hỏi xong bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 28 đồng phạm liên quan tới hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo đó, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, giữ nguyên các lời khai, và trình bày nguyên nhân, động cơ, vai trò, các tình tiết giảm nhẹ để xin giảm hình phạt.

Cựu Tổng giám đốc SCB: Nhân viên ngân hàng cũng không còn gì - 1

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hải Long).

Sau khi xét hỏi xong các bị cáo trong nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX cho biết, các bị hại đều yêu cầu xem xét bồi thường thiệt hại. Trước đó, tòa đã ra nhiều văn bản thông báo bị hại đối chiếu thông tin, số lượng trái phiếu; HĐXX xét xử cũng đã thông báo xét xử vắng mặt bị hại, đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại theo quy định pháp luật.

Đồng thời, chủ tọa thông báo trong vụ án có một số đối tượng bị truy nã hoặc chết, hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai, tài liệu liên quan đến những người này nếu cần thiết.

Tiếp đó, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại, tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan tới hành vi và trách nhiệm bồi thường.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc bị hại có biết gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) cho rằng, thông tin về gói trái phiếu được công khai, trái phiếu phát hành riêng lẻ, nên không niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Luật sư cho biết, nhiều bị hại tin SCB cố ý lừa dối bị hại, nhân viên SCB không tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu mà tự ý chuyển tiền gửi tiết kiệm thành các gói trái phiếu.

Cựu Tổng giám đốc SCB: Nhân viên ngân hàng cũng không còn gì - 2

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Ảnh: H.H.).

Bị cáo Văn nói rất chia sẻ với bức xúc của khách hàng khi xảy ra sự cố, và xin giãi bày một số vấn đề. Theo đó, gói trái phiếu được cấu trúc từ 5 năm thành hàng năm, tức từ việc khách hàng mua trái phiếu 5 năm mới nhận được lãi, chuyển thành nhận lãi hàng năm.

Về lý do SCB là tổ chức tín dụng, nhưng khi khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm lại được tư vấn mua trái phiếu, bị cáo Văn cho biết mỗi giai đoạn nhu cầu của ngân hàng khác nhau, việc làm của nhân viên sẽ giúp cho khách hàng có thêm sự lựa chọn, lợi nhuận tốt hơn.

Khi luật sư nói các bị hại yêu cầu SCB và nhân viên liên quan tại ngân hàng này phải có trách nhiệm liên đới bồi thường. Nghe tới đây, cựu Tổng giám đốc SCB nghẹn giọng: "Bị cáo rất đau xót về thiệt hại trước mắt, xin các trái chủ cho thêm thời gian để sự việc được giải quyết ổn thỏa, những nhân viên SCB cũng không còn gì cả".

Sáng 25/9, HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan tới tội Rửa tiền.