Cựu Tổng giám đốc Cienco 1: "Trận đánh cuối tưởng như đơn giản lại tử trận"
(Dân trí) - "Bị cáo đã cố gắng làm được những gì mình suy nghĩ, nhưng ở trận đánh cuối tưởng như đơn giản lại tử trận", cựu Tổng giám đốc Cienco 1 giãi bày về việc cổ phần hóa Cienco 1.
Chiều 8/6, phiên xét xử 7 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.
Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, cựu Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai, giãi bày cả cuộc đời bị cáo gắn bó với ngành giao thông vận tải (GTVT). Đến thời điểm này, bị cáo nhận thấy bản thân làm được nhiều điều, nhưng cũng có nhiều thiếu sót.
Qua bản luận tội và phần bào chữa của luật sư, bị cáo hiểu thêm các quy định của pháp luật.
Trong những năm tháng gắn với ngành GTVT, bị cáo cảm thấy áy náy với gia đình, vợ con, bạn bè vì không có nhiều thời gian để dành cho mọi người. Bị cáo mong muốn những ngày tháng cuối đời có thể dành cho gia đình nhưng lại thành gánh nặng.
Trong những năm tháng qua, bị cáo luôn suy nghĩ làm cách nào để có thể cống hiến được nhiều nhất, gắn với tên tuổi, thương hiệu của bản thân và công ty nhưng lại mắc sai sót trong khi thực hiện cổ phần hóa Cienco 1.
"Bị cáo đã cố gắng làm được những gì mình suy nghĩ, nhưng ở trận đánh cuối tưởng như đơn giản lại tử trận.
Điều này khiến bị cáo cảm thấy trăn trở, thiếu sót rất nhiều, tất cả suy nghĩ trong quá trình vận hành Cienco 1 đều nhằm mục đích làm sao tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà nước, kể cả trong việc cổ phần hóa", cựu Tổng giám đốc Cienco 1 giãi bày.
Bị cáo Cấn Hồng Lai cho biết, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị xung phong, mở đường trong việc cổ phần hóa và giao cho Cienco 1 đi đầu, cầm cờ.
Song, do thiếu hiểu biết pháp luật, chuyên môn về tài chính hạn chế nên bị cáo để xảy ra sai sót.
Cựu Tổng giám đốc Cienco 1 gửi lời xin lỗi đến tập thể, cán bộ, nhân viên của Cienco 1, ngành giao thông vận tải.
Bị cáo mong muốn HĐXX, cơ quan công tố xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo có cơ hội được nhìn thấy tương lai, hi vọng.
Đứng trước HĐXX, bị cáo Phạm Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Cienco 1 mong muốn HĐXX, cơ quan công tố giảm nhẹ hình phạt cho mình để sớm về với gia đình và nếu còn sức khỏe sẽ tiếp tục đóng góp cho đất nước.
Bị cáo Phạm Dũng phân trần, bản thân xuất phát từ kỹ sư cầu, ngay khi ra trường đã bắt tay vào làm cầu Chương Dương. Kể từ công trình đầu tiên đến khi được nghỉ, bị cáo luôn phấn đấu để làm được những công trình tốt, đẹp, hiệu quả nhất cho đất nước.
"Trong thâm tâm, bị cáo luôn mong muốn Cienco 1 là đơn vị xây dựng cầu số 1 của Việt Nam.
Là một người gốc tư vấn nên khi sang vai trò là Chủ tịch HĐTV, bị cáo luôn cố gắng học tập về công tác quản lý, nhưng việc này chưa đáp ứng được điều kiện thực tế.
Do đó, bị cáo rất đặt niềm tin vào cấp dưới, cấp tham mưu được đào tạo về chuyên môn nhưng đã xảy ra sai sót", cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1 phân trần.
Đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, 5 bị cáo còn lại trong vụ án đều thể hiện sự ăn năn, hối hận và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyên án với các bị cáo vào sáng 16/6.
Theo cáo buộc của viện kiểm sát, năm 2013 Cienco 1 được phê duyệt danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa do bị cáo Phạm Dũng làm trưởng ban, bị cáo Cấn Hồng Lai làm phó trưởng ban.
Quá trình cổ phần hóa, dàn cựu lãnh đạo Cienco 1 có nhiều sai phạm, từ đó gây thiệt hại lớn đến tài sản Nhà nước.
Trong đó, ông Lai bị cáo buộc chủ trì cuộc họp để xử lý khoản nợ hơn 364 tỷ đồng phải thu của 50 công ty. Tuy nhiên, cựu Tổng giám đốc Cienco 1 cùng các thuộc cấp sau đó quyết định xóa gần 185 tỷ đồng trong số nợ trên.
Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, Cienco 1 thu được 65 tỷ đồng nhưng lại không đề xuất bàn giao cho Nhà nước mà chỉ đạo chi cho các hoạt động khác.
Ngoài ra, khi cổ phần hóa, Cienco 1 không xác định giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của 4 tỉnh xác định tổng giá trị 4 khu đất vào năm 2013 là hơn 67,4 tỷ đồng. Do vậy, hành vi bỏ quên các khu đất gây thiệt hại hơn 54 tỷ đồng.
Sai phạm của ông Phạm Dũng và ông Cấn Hồng Lai trong việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Cienco 1 gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 240 tỷ đồng.
Các bị cáo còn lại là Lê Văn Long, Nguyễn Thị Bích Hạnh, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Ngọc Tuyến, bị cáo buộc cùng gây thiệt hại gần 185 tỷ đồng.