1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu Thượng tá quân đội hầu tòa vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Khánh Hồng

(Dân trí) - Ngày 27/12, Tòa án Quân sự quân khu 5 mở phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trong số này có 2 cựu sĩ quan quân đội là Đinh Tiến Hiệp - cựu Thượng tá, Giám đốc Ban điều hành liên danh nhà thầu số 2; Nguyễn Việt Hòa - cựu Đại úy, Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh, Chỉ huy trưởng công trường của Tổng công ty Thành An tại gói thầu số 6.

Các bị cáo còn lại gồm: Phan Ngọc Thơm - Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 2, 3B; Trần Năng Hà, Chu Tuệ Minh - cùng là Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 2; Hoàng Trúc Lân - Giám đốc chất lượng Ban điều hành liên danh gói thầu số 2;

Nguyễn Quốc Hải - Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 6; Lương Văn Tiến - Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh, Giám đốc Ban điều hành VNCN E&C; Nguyễn Đình Chung - kỹ sư đường, Ban điều hành liên doanh, Giám đốc Ban điều hành Vinaconex, JSC tại gói thầu số 6.

Cựu Thượng tá quân đội hầu tòa vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - 1

Một điểm hư hỏng được ghi nhận trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào năm 2018 (Ảnh: Nguyễn Thành).

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi.

Dự án được phân chia thành 13 gói thầu chính. Trong đó, giai đoạn một dài 65 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ (Quảng Nam), gồm 8 gói thầu xây lắp chính (7 gói thầu thi công đường và một gói thầu thi công cầu).

Tháng 8/2017, dự án hoàn thành thông xe giai đoạn một. Tuy nhiên, dù mới được đưa vào sử dụng nhưng đoạn đường 65 km đã có 380 điểm hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo thuộc các nhà thầu thi công gói thầu số 2, số 6 cùng các bị cáo thuộc chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và Tư vấn giám sát dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho Nhà nước.

Kết quả điều tra và kết luận giám định chỉ rõ, các bị cáo đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, dẫn đến tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình, nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 209 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã hỏi đại diện cơ quan giám định căn cứ để đưa ra kết luận và tính chính xác của kết luận giám định.

Đại diện cơ quan giám định của 2 gói thầu này cho hay đã dựa vào các quy định của pháp luật cũng như các thông tư, hướng dẫn đồng thời thực hiện giám định, kiểm định thực tế tại công trường.

Nói về tính chính xác của kết luận giám định, vị đại diện này cho hay: "Công việc của đơn vị giám định rất áp lực. Chúng tôi rất căng thẳng nhưng luôn đảm bảo kết quả khách quan, trung thực và chính xác".

Trong phần xét hỏi, một số bị cáo không đồng ý với kết quả giám định, cho rằng kết quả không trung thực.

Bị cáo Hòa cho hay, cơ quan giám định đã vi phạm luật, khi tổ giám định có 7 thành viên nhưng kết luật giám định chỉ có 3 người ký. Trong khi đó, quan điểm của bị cáo là người chủ trì giám định và tất cả các thành viên phải ký và nêu ý kiến. Tuy nhiên ở kết luận giám định này chỉ có người chủ trì và 2 giám định viên ký.

Phiên tòa dự kiến xét xử trong 5 ngày.