"Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường muốn nộp tiền, sao luật sư... đau lòng"?
(Dân trí) - Liên quan đến việc cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, đại diện Viện Kiểm sát thắc mắc "không hiểu vì sao luật sư lại... đau lòng" về hành động này.
Diễn biến tâm lý không nhất quán của cựu Thứ trưởng
Tại phiên xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng đồng phạm chiều 17/5, đối đáp quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Cường cho rằng cáo trạng sử dụng những chứng cứ chưa được điều tra thực tế, đại diện Viện kiểm sát nhận định, đó là những đánh giá chủ quan, không có căn cứ của luật sư. Đại diện cơ quan công tố khẳng định, toàn bộ các thông tin đã được điều tra, xác minh.
"Những nội dung dẫn dắt của vụ án, liên quan đến trách nhiệm của cá nhân Nguyễn Lê Xuân Khang đã có lời khai của các đối tượng có liên quan, trừ Khang (bị can đang bỏ trốn - PV). Chúng tôi đánh giá đây là những tình tiết của vụ án đã được điều tra, xác định liên quan đến Nguyễn Lê Xuân Khang, khi bắt được sẽ điều tra, xử lý sau. Luật sư cho rằng cáo trạng sử dụng tài liệu chưa được điều tra thực tế là không có căn cứ" - vị đại diện VKS lập luận.
Về việc luật sư nêu vấn đề "cáo trạng hoài nghi kết luận điều tra, kết luận giám định", đại diện VKS giải thích: "Luật không buộc chúng tôi phải chấp nhận toàn bộ bản kết luận điều tra. VKS không sử dụng những kết luận giám định hoặc nội dung kết luận điều tra không phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ vụ án".
Về thông tin quá trình điều tra, bị cáo Cường có thái độ hợp tác, khai báo thành khẩn nhưng cáo trạng lại đánh giá bị cáo Cường không thành khẩn khai báo, VKS cho rằng, điều này thể hiện thực tế theo quá trình diễn biến tâm lý của bị cáo Trương Quốc Cường.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Cường chỉ nhận sai phạm của người đứng đầu. Giai đoạn truy tố, khi kiểm sát viên hỏi cung, ông Cường thừa nhận những nội dung vi phạm. Đến giai đoạn nhận cáo trạng, bị cáo lại không nhận tội, chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu.
"Diễn biến tâm lý của bị cáo Cường thay đổi liên tục, không nhất quán. Chúng tôi căn cứ vào đó để đưa ra đánh giá trong cáo trạng, không có gì sai, không có gì mâu thuẫn hết" - đại diện VKS nhấn mạnh.
"Không hiểu luật sư đau lòng vì điều gì!"
Về vấn đề gia đình cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, đại diện VKS nêu băn khoăn, trong bản luận cứ của luật sư nêu, sau 2 buổi làm việc của kiểm sát viên, bị cáo Cường nộp khoản tiền này để khắc phục hậu quả, mà luật sư bào chữa cho bị cáo lại nói "rất đau lòng" với việc này.
Nhận xét phát ngôn này "khó hiểu", công tố viên "vặn" luật sư: "Bị cáo đã trao đổi với luật sư về việc nộp tiền ngay tại buổi làm việc đầu tiên. Cụ thể, bị cáo đề nghị luật sư giúp bị cáo thông tin với gia đình là nộp tất cả, chứ không phải sau 2 buổi làm việc như luật sư nói, nội dung thể hiện tại biên bản hỏi cung. Tôi không hiểu, bị cáo tự nguyện nộp tiền như vậy, sao luật sư lại... đau lòng, đau lòng vì điều gì?".
Về vấn đề không đình chỉ lưu hành thuốc, đại diện VKS cho rằng, sự việc đã rất rõ, không phải là không đủ căn cứ như luật sư bào chữa. Kiểm sát viên nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng mang tính đặc biệt so với các loại hàng hóa khác, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người nên có quy định là chỉ cần nghi ngờ, có dấu hiệu không đảm bảo là phải thu hồi.
"Quan điểm của bị cáo cũng như lập luận các luật sư đưa ra là email gửi đến không đủ tính xác thực, không đủ căn cứ thu hồi thuốc nhưng bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới ban hành các văn bản gửi các cơ quan liên quan. Chính bị cáo thực hiện không hết chức trách nhiệm vụ của mình, dừng nhập khẩu nhưng không dừng lưu hành, khiến các thuốc nhập vào tiếp tục được đưa đến tay người bệnh" - đại diện VKS nêu quan điểm.
Kết thúc buổi làm việc chiều 17/5, HĐXX nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 14h ngày 19/5.
Đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho ông Trương Quốc Cường
Trước khi được nói lời sau cùng, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường đột ngột xin được có thêm ý kiến. Bị cáo trình bày, về trách nhiệm trong việc không thu hồi thuốc, bị cáo nhận thấy mình chưa làm hết trách nhiệm nhưng xin HĐXX xem xét đến hoàn cảnh khách quan mang lại.
Trước sự thay đổi nhận thức của ông Cường, đại diện VKS cho rằng, cuối cùng, bị cáo Trương Quốc Cường đã khai nhận lỗi của bị cáo trong 4 hành vi mà VKS truy tố, đánh giá, làm rõ tại tòa.
Xét thấy ông Cường đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội dù trước đây bị cáo luôn thay đổi, bất nhất trong việc nhận hay không nhận tội, nhận định việc này thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án thấp hơn mức án đã được đề nghị trước đó là từ 7-8 năm tù.
Nói lời sau cùng, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ông bị khởi tố về những hành vi khi ông mới lên tiếp quản Cục Quản lý Dược, hệ thống văn bản pháp luật khi đó rất đơn giản, rất thiếu. Khi bắt đầu xây dựng hệ thống văn bản mới, các doanh nghiệp phải nộp rất nhiều hồ sơ, văn bản.
Lượng hồ sơ lớn, cán bộ ở Cục Quản lý Dược đã phải làm việc trong điều kiện quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn. Theo ông Cường, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót, trong đó có trách nhiệm lãnh đạo của ông.
"Đối với tôi, cả đời phấn đấu, rất ý thức được rằng ngành cấp phép thuốc rất nhạy cảm, nên luôn cố gắng rèn luyện mình, nhưng không may có chuyện này xảy ra, khiến tôi phải đứng trước vòng lao lý. Đây là nỗi mất mát lớn nhất, mong tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện khách quan, chủ quan, sao cho chúng tôi có mức án không đem lại nỗi đau khổ cho bản thân tôi và gia đình" - cựu Thứ trưởng nói lời sau cùng.
Trong lời sau cùng của mình, các bị cáo khác cũng thể hiện sự ăn năn, hối hận, mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.