1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op khai dùng 1.000 tỷ đồng để tránh lãng phí

Xuân Duy

(Dân trí) - Tại tòa bị cáo Diệp Dũng khai sau khi những nhà đầu tư góp vốn vào để mua lại Big C nhưng không thành công, ông đã dùng tiền đầu tư nhằm mục đích tránh lãng phí.

Chiều 28/12, phiên tòa xét xử bị cáo Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op) và 4 đồng phạm về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, bắt đầu xét hỏi.

Buổi làm việc buổi sáng, HĐXX hoàn tất phần thủ tục phiên tòa và VKS cũng công bố xong cáo trạng. Chiều nay, phiên tòa bắt đầu phần xét hỏi.

Là bị cáo đầu tiên bước lên bục khai báo, ông Dũng nói to, rõ từng câu hỏi và thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo buộc.

Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op khai dùng 1.000 tỷ đồng để tránh lãng phí - 1

Bị cáo Dũng tại tòa (Ảnh: Xuân Duy).

Bị cáo Dũng khai sau khi nghe thông tin chuỗi siêu thị Big C chuyển nhượng đã họp hội đồng thành viên Saigon Co.op đã họp bàn về việc huy động vốn và được UBND TPHCM cho phép thực hiện. Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op khai giai đoạn 1 đơn vị này đã huy động được 3.000 tỷ đồng.

Tiếp đó, ông này khai mục đích mua lại siêu thị Big C nhằm tăng sức mạnh cho Saigon Co.op. Nếu thương vụ mua Big C không thành công, số tiền đầu tư sẽ được trả lại cho các nhà đầu tư. Đối với những trường hợp không có nhu cầu rút vốn sẽ kết nạp nhà đầu tư đưa vốn vào vốn điều lệ của Saigon Co.op.

Khi "thương vụ" mua lại siêu thị Big C không thành công, bị cáo Diệp Dũng đã tự ý dùng số tiền 1.000 tỷ đồng (từ 3.000 tỷ đồng) để đầu tư ra bên ngoài nhưng không thông qua HĐQT.

"Trong lúc chờ xin ý kiến UBND TPHCM về việc kết nạp các nhà đầu tư, nghĩ rằng số tiền để vậy sẽ lãng phí nên tôi đã sử dụng 1.000 tỷ đồng mang đi đầu tư nhằm mục đích mang lợi ích kinh tế cho Saigon Co.op, tạo việc làm cho xã hội. Sau khi có đề xuất của cấp dưới, chọn lựa đối tác, bị cáo đã có hành vi như trên", bị cáo Dũng lý giải hành vi của mình.

Khi được chủ tọa hỏi tại sao muốn mang lại lợi ích kinh tế nhưng lại giảm lãi suất từ 7% xuống còn 0% khiến Saigon Co.op thất thoát số tiền 115 tỷ đồng, bị cáo Dũng nói sau khi hợp tác đầu tư, cấp dưới báo cáo phía đối tác sử dụng nguồn vốn không có hiệu quả, có nguy cơ thiệt hại nên ông đã có quyết định trên.

Ngoài ra, ông Dũng cho rằng mình làm việc trên là vì nôn nóng, sợ nhà đầu tư bị thiệt hại. Cựu Chủ tịch Saigon Co.op thừa nhận sai phạm khi đã có 2 quyết định trên khi không thông qua HĐQT gây thiệt hại tài sản.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị HĐXX xem xét về hoàn cảnh, động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội, cũng như thiệt hại thực tế trong vụ án để có phán quyết phù hợp.

Các bị cáo còn lại thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết.

Theo cáo buộc, bị cáo Diệp Dũng đã không thông qua Hội đồng quản trị Saigon Co.op, tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng và hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỷ đồng. Ông Diệp Dũng đã ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng trong số tiền 3.000 tỷ đồng mà Saigon Co.op huy động để thực hiện thương vụ mua lại Big C trước đó cho hai công ty trên.

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định là 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán gốc, lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác. Hợp đồng được gia hạn thời gian hợp tác theo 4 phụ lục ký giữa ông Diệp Dũng với ông Tôn Thất Hào và ông Võ Thành Trung.

Nhưng đến ngày 24/3/2018, ông Diệp Dũng tiếp tục không thông qua hội đồng quản trị, tự ký thỏa thuận điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm.

Hành vi của ông Dũng tạo điều kiện cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới không phải thanh toán khoản lợi nhuận cố định 7% (kể cả phần lãi từ việc cho vay và gửi tiết kiệm của 2 công ty này).

Hành vi của ông Dũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại 115,6 tỷ đồng lợi nhuận 7% từ 2 hợp đồng hợp tác đầu tư trên.