1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói về văn bản "bí ẩn" có bút phê của mình

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Về quá trình thoái vốn của Sabeco tại liên doanh nhà thầu, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng quả quyết về sự tồn tại của văn bản thông báo kết luận cuộc họp do ông chủ trì, trong đó có bút phê của ông.

Sabeco do cựu Thứ trưởng đang bỏ trốn phụ trách

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, HĐXX bắt đầu xét hỏi. Được yêu cầu lên bục khai báo, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khó nhọc bước từng bước, kéo ghế sát bục, chậm chạp ngồi xuống. Thư ký tòa phải chỉnh micro thấp để ông Hoàng trả lời được to, rõ ràng hơn.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói về văn bản bí ẩn có bút phê của mình - 1

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được phép ngồi trả lời thẩm vấn.

Khai trước tòa, ông Hoàng cho hay, với cương vị Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông là người chịu trách nhiệm chung trước Đảng, Nhà nước. Về phân công nhiệm vụ cụ thể, các Thứ trưởng giúp việc Bộ trưởng được phân công từng lĩnh vực, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật.

Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được giao một số lĩnh vực, trong đó có mảng công nghiệp nhẹ, trong công nghiệp nhẹ có Sabeco.

Ông Hoàng khai, cuối năm 2007, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương, Sabeco Land đã được thành lập. Do không phụ trách trực tiếp nên ông chỉ nắm thông tin được khi các cấp có báo cáo xin ý kiến. Vì chỉ nắm thông tin qua các báo cáo được xin ý kiến nên thông tin không hệ thống, không liên tục.

Đến thời điểm năm 2012, khi nguyên Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải ký công văn gửi UBND TPHCM đề nghị cho Sabeco được gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất, theo ông Hoàng, ông không có bất cứ thông tin nào về hoạt động của Sabeco. Ông không nhận được văn bản nào liên quan, kể cả văn bản của ông Hải gửi UBND TPHCM.

Khi Bộ phận quản lý vốn nhà nước (BPQLVNN) tại Sabeco xin ý kiến được thay thế nhà đầu tư để tiếp tục triển khai dự án, ông Hoàng cho biết, đó là lần đầu tiên ông tiếp cận thông tin có liên quan.

Đối với Báo cáo số 10 của BPQLVNN, trong đó có nêu vấn đề chuyển giao quyền sử dụng đất cho công ty cổ phần, ông Hoàng khai, báo cáo này chỉ dừng lại ở việc xin thay thế nhà đầu tư, không có phương án cụ thể. Tại dự thảo công văn trả lời BPQLVNN, bị cáo Hoàng có ghi thêm nội dung: "Việc lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, Tổng Công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét, quyết định".

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, rút kinh nghiệm từ Sabeco Land khi lựa chọn nhà đầu tư, ông yêu cầu phải báo cáo Bộ để đảm bảo các đơn vị thay thế có đủ năng lực, khả năng tiếp tục cùng Sabeco triển khai dự án rất quan trọng là xây dựng trụ sở cho Sabeco và các doanh nghiệp thành viên.

Ông Hoàng cho biết, hàng năm, Sabeco phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thuê văn phòng. Việc xây dựng trụ sở mới là nguyện vọng tha thiết của Sabeco, không chỉ tiết kiệm cho Sabeco mà còn tiết kiệm cho ngân sách.

Đối với văn bản số 6427 do cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký, trong đó có nội dung đồng ý về việc lựa chọn nhà đầu tư và phương án hợp tác như đề xuất của BPQLVNN, bị cáo Hoàng khai, ông không tham gia nội dung, không chỉ đạo việc ban hành công văn này.

"Theo thủ tục về mặt hành chính của Bộ thì các văn bản, nhất là văn bản do lãnh đạo Bộ ký, thông thường ở phần nơi nhận đều có ghi Bộ trưởng, tuy nhiên mở ngoặc đơn là 'để biết' hoặc 'để báo cáo'. Công văn 6427 cũng ghi như vậy, không phải ghi 'để xin ý kiến', 'để chỉ đạo'." - ông Hoàng trình bày.

Nói thêm về việc không nắm hết được các văn bản cấp dưới ký, cựu Bộ trưởng cho biết, khoảng thời gian từ 2010-2015, ông tập trung vào việc đàm phán hiệp định thương mại tự do, mất nhiều thời gian. Văn bản 6427 không phải văn bản xin ý kiến chỉ đạo, ông không có điều kiện đọc nên không nhớ có được đọc không. Sau này làm việc với cơ quan điều tra, ông được cho xem văn bản này và thấy phần dưới có nơi nhận là ông.

Văn bản "bí ẩn"

Về quá trình thoái vốn, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho hay, sau khi Chính phủ có Nghị định 91 yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thoái vốn, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi tất cả các doanh nghiệp thuộc Bộ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.

"Các nhà đầu tư, trong đó các nhà đầu tư trong Sabeco Pearl, chắc chắn biết Nghị định này nên mới có văn bản gửi tôi đề nghị cho Sabeco thoái vốn. Cá nhân tôi về nguyên tắc không xử lý công việc mà không đúng chức năng thẩm quyền. Họ gửi cá nhân tôi nhưng tôi không trả lời vì không đúng thẩm quyền nhưng tôi chuyển Vụ Công nghiệp nhẹ để tham mưu, đề xuất xem xét, báo cáo lãnh đạo Bộ." - ông Vũ Huy Hoàng trả lời về 2 văn bản của nhóm nhà đầu tư Sabeco Pearl đề nghị cho Sabeco thoái vốn cũng như cho họ mua lại cổ phần của Sabeco.

Ông Hoàng khai, khi bị cáo Phan Chí Dũng hỏi ý kiến về việc trên, ông yêu cầu trước hết phải có ý kiến của BQLVNN tại Sabeco, như vậy mới đúng thẩm quyền, Bộ không có thẩm quyền trả lời trực tiếp cho nhà đầu tư. Khi BPQLVNN có đề xuất cho Sabeco thoái vốn, Vụ Công nghiệp nhẹ mới có văn bản trả lời Sabeco, không phải trả lời nhà đầu tư.

Về cuộc họp ngày 29/3/2016, bị cáo Hoàng cho biết, cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề của Sabeco, trong đó có bàn về chủ trương thoái vốn và xây dựng trụ sở mới trong trường hợp Sabeco thoái vốn. Ông Hoàng cho rằng, đó không phải cuộc họp về thẩm định giá thoái vốn.

Tại cuộc họp này, ông Võ Thanh Hà (Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN tại Sabeco) trình bày phương án sơ bộ thoái vốn, có phương án về giá. Theo bị cáo Hoàng, cuộc họp này ông thấy không có thông tin TPHCM đã chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ ở đối với dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng.

"Đến thời điểm tháng 6/2016, anh Hà báo cáo cũng chưa có quyết định chính thức cho bổ sung chức năng căn hộ ở. Theo tôi hiểu đến nay cũng chưa có." - cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng quả quyết.

Đối với văn bản số 140 thông báo kết luận cuộc họp ngày 29/3/2016, trong đó có nội dung lựa chọn giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn, bị cáo Hoàng cho biết, ông không phê duyệt giá khởi điểm đấu giá.

"Thông báo do Chánh văn phòng ký tồn tại mấy văn bản. Văn bản đầu tiên có trích dẫn về giá sàn là giá tham khảo để thoái vốn theo các phương án giá của Tổng Công ty, tôi yêu cầu là chọn giá nào cũng phải đảm bảo đúng pháp luật, bảo đảm tối đa vốn Nhà nước.

Sau khi đọc lại bản lưu thông báo trên, tôi sợ bị diễn giải theo nhiều cách hiểu khác nên đã sửa trên chính bản lưu, bỏ hết phần về giá, yêu cầu Tổng Công ty chủ động xây dựng phương án thoái vốn, trong đó có phương án về giá, phải đảm bảo đúng trình tự. Văn bản này được Chánh văn phòng sửa, ký. Đây là bản ý kiến chính thức về phương thức thoái vốn." - bị cáo Hoàng khai trước tòa.

Ông Hoàng cho rằng, ông đã báo cáo cơ quan điều tra về văn bản có sự chỉnh sửa của ông nhưng không được ghi nhận trong kết luận điều tra.

"Nguyên Chánh văn phòng đã xác nhận về sự tồn tại của văn bản này. Tôi tin trong hồ sơ vụ án có văn bản này." - cựu Bộ trưởng nói.