1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hải Dương:

Cưỡng chế sai luật, bắt dân vào tù

Một “Đoàn công tác” gồm công an phường, cán bộ UBND phường Hải Tân, đội quy tắc TP Hải Dương ập đến thu giữ giàn giáo, xe cải tiến tại công trình của dân. Khi dân phản ứng lại thì lập tức bị tạm giữ vì “Chống người thi hành công vụ”...

“Đoàn công tác” làm trái quy định

Ngày 23/2/2006, “Đoàn công tác” đã ập xuống công trình nhà ông Nguyễn Ngọc Thạch (khu 7P) thu giữ giàn giáo, xe cải tiến cho lên ô tô định chở đi với lý do: Công trình chưa làm xong thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa xin được giấy phép xây dựng.  

Khi đó, ông Ngô Bá Thặng (người trông coi công trình) đề nghị “Đoàn công tác” xuất trình các quyết định, biên bản đình chỉ có dấu đỏ của cấp có thẩm quyền thì mới được phép chở các vật dụng đi.

 

Để chắc chắn, ông Thặng đã đỗ xe ôtô của mình chắn đường chiếc xe của “Đoàn công tác”. Nhưng “Đoàn công tác” không thể đưa ra được bất cứ văn bản nào.

 

Chiều cùng ngày, công an TP Hải Dương đã yêu cầu ông Thặng cho xe về trụ sở phường. Khi đến viết tường trình tại UBND phường Hải Tân, ông Thặng đã bị tạm giữ  9 ngày vì tội “ Chống người thi hành công vụ”...

 

Xin nói về lô đất của ông Thạch. Đây là diện tích nằm trong dự án khu đô thị của Công ty Cổ phần Vinaconex 11 (ông Thạch mua). Theo quy chế quản lý đô thị của UBND tỉnh Hải Dương ban hành (QĐ số 480 ngày 1/8/2001) thì phường Hải Tân có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng công trình cho các hộ dân nên không thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng và UBND TP Hải Dương.

 

Như vậy, việc phường Hải Tân cho rằng ông Thạch chưa có giấy phép xây dựng là sai với quy định. Thêm nữa, việc phường Hải Tân đình chỉ công trình với lý do “chưa làm xong thủ tục giấy chứng nhận” là không có cơ sở.

 

Ép dân vào tù?

 

Nói về “Đoàn công tác” và chức năng công vụ của đoàn. Cho đến nay chưa có cơ quan chức năng nào của TP Hải Dương đưa ra được văn bản thành lập “Đoàn công tác” nói trên.

 

Thứ hai, về công vụ, “Đoàn công tác” cũng chưa làm đúng chức năng công vụ. Vì việc đình chỉ, thu giữ tang vật nếu đúng quy định phải có quyết định, biên bản của cơ quan có thẩm quyền.

 

Thêm nữa, việc đình chỉ công trình (nếu có) là không có căn cứ. Vậy không thể nói ông Thặng chống “người thi hành công vụ”.

 

Dù khái niệm “Đoàn công tác” và “thi hành công vụ” chưa được làm rõ, hành vi “chống người thi hành công vụ” rất mơ hồ, song công an TP Hải Dương vẫn tạm giữ ông Thặng 9 ngày, sau đó khởi tố ông Thặng với tội danh trên. Ngày 15/5/2006, Viện KSND TP Hải Dương cũng ra quyết định truy tố ông Thặng tội “Chống người thi hành công vụ”.

 

Có điều lạ, cả kết luận điều tra và cáo trạng, đều ém nhẹm việc tạm giữ ông Thặng 9 ngày. Việc bắt giữ người rõ ràng có điều mờ ám. Cụ thể, sau khi bắt ông Thặng, công an không báo cho gia đình bị can.

 

Hơn thế, trong biên bản bắt giữ có 4 người ghi tên nhưng lại không có chữ ký. Trái lại, 3 người khác, không có tên trong biên bản nhưng lại có chữ ký và lời khai.

 

Không chỉ vậy, trong suốt quá trình “điều tra”, cơ quan công an không đưa ra được bằng chứng thuyết phục cho thấy ông Thặng chống người thi hành công vụ ngoài những câu nói: “Tôi trông cho em tôi, nếu để mất tôi phải đền”, “Các ông chẳng hiểu gì về pháp luật cả”, “Không ai được mang những cái này ra ngoài...”.

 

Nghiêm trọng hơn, công an TP Hải Dương đã thiếu khách quan khi chỉ thu thập lời khai nhân chứng từ phía chính quyền mà lại quên những nhân chứng là số người tham gia xây dựng công trình...

 

Dư luận đang chờ được trả lời khúc mắc: Vì sao ông Thặng lại bị ép vào tù? Việc làm này mang lợi cho ai?

 

Theo Nhóm PVĐT

Tiền Phong