1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

“Cục Bồi thường Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ ông Hàn Đức Long”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho ông Hàn Đức Long- người vừa được trả tự do sau 11 năm ngồi tù - trong việc tính toán đòi bồi thường oan sai.


Ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Ảnh: T.K)

Ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Ảnh: T.K)

Bên lề hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2016 ngày 23/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Việt Hưng khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ ông Hàn Đức Long thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường, cũng như việc tính toán khoản bồi thường mà ông Long sẽ được hưởng dựa trên cơ sở yêu cầu và chứng cứ mà gia đình ông ấy đưa ra”.

Tương tự quá trình giải quyết vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), theo ông Hưng, sau khi được xin lỗi công khai, gia đình ông Hàn Đức Long phải làm đơn yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường cho quãng thời gian ngồi tù oan.

“Trong đơn yêu cầu bồi thường oan sai, gia đình ông Long phải đưa ra các thiệt hại và tài liệu chứng minh thiệt hại trong suốt quá trình kêu oan. Sau đó cơ quan giải quyết bồi thường sẽ tiến hành đánh giá, xác minh, giám định các yêu cầu đó và tiến hành thương lượng lại với gia đình ông Long”- ông Hưng nói.

Về việc ông Hàn Đức Long có thể lại gặp cảnh “cò kè bớt 1 thêm 2” với cơ quan tố tụng gây oan sai cho mình như trường hợp ông Huỳnh Văn Nén với TAND tỉnh Bình Thuận, ông Trần Việt Hưng nhấn mạnh, nguyên tắc giải quyết thương lượng là tìm ra “tiếng nói chung”, thống nhất về mức tiền bồi thường giữa hai bên. Nếu không thể thương lượng thành công, người bị oan có thể khởi kiện cơ quan tố tụng ra tòa án để đòi bồi thường.

Nhằm giải quyết những bất cập hiện nay, ông Hưng cho biết Luật Bồi thường Nhà nước đang được sử đổi, bổ sung nhiều quy định mới.

“Quá trình sửa luật lần này, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng để có lợi cho người bị hại và tất nhiên cũng phải thuận lợi cho Nhà nước nữa. Khi cả hai cái đó thuận lợi với nhau thì giữa cơ quan giải quyết và yêu cầu của bị hại mới đảm bảo được sự đồng thuận và hiệu quả” - ông Hưng chia sẻ.

Như Dân trí đã phản ánh, vụ án Hàn Đức Long xảy ra cách đây hơn 11 năm. Theo nội dung vụ việc, khoảng 19h ngày 16/5/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đi làm về thì phát hiện con gái mình là cháu Nguyễn Thị Yến (SN 2000) bị mất tích. Sáng hôm sau, thi thể cháu Yến được tìm thấy ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu bị hiếp dâm.

Sau 4 tháng điều tra, Cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vẫn không xác định được nghi phạm nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm. Thời gian này, gia đình hàng xóm bà Ngô Thị Khuyến viết đơn tố cáo Hàn Đức Long từng hiếp dâm hai mẹ con mình, đồng thời tố giác người đàn ông này chính là hung thủ hiếp dâm cháu Yến.

Từ tố giác này, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam Hàn Đức Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, Hàn Đức Long khai nhận hiếp dâm rồi giết cháu Yến. TAND tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình. TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND xử Giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long.

Cuối năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TAND xử Giám đốc thẩm lại quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hàn Đức Long. Sau đó vụ án được giao cho cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang điều tra lại...

Và mới đây nhất, VKSND tỉnh Bắc Giang đã quyết định đình chỉ, trả tự do cho ông Hàn Đức Long.

Điều đáng chú ý trong vụ án của ông Hàn Đức Long là, cũng được minh oan về tội giết người như các ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén, tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn là, ông Long bị tuyên án tử hình, còn ông Chấn và ông Nén thì chỉ bị mức án chung thân.

Đặc biệt, với vụ án ông Chấn và ông Nén, đều đã tìm ra thủ phạm trước khi họ được minh oan. Còn vụ án này, kẻ thủ ác vẫn chưa lộ diện, do đó, việc minh oan cho ông Long là sự đánh giá lại rất kỹ, cẩn trọng và dũng cảm mới đưa ra được quyết định rất khó khăn và rất có hậu.

Thế Kha