Công ty Nhật Nam sở hữu bao nhiêu tài sản?
(Dân trí) - Công an Hà Nội xác định Công ty Nhật Nam đứng tên 12 căn biệt thự tại Sơn Tây (Hà Nội), 7 sổ đỏ đất ở Thanh Hóa, 20 sổ đỏ đất tại tỉnh Đắk Lắk và một số ô tô.
Liên quan vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thúy bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lãnh đạo Công an Hà Nội cho hay, cơ quan điều tra đã và đang tích cực kê biên tài khoản, truy lùng bất động sản, tài sản khác để đảm bảo quyền lợi của bị hại.
Hàng loạt bất động sản đứng tên Công ty Nhật Nam
Cụ thể, Công an TP Hà Nội đã phong tỏa 88 tài khoản ngân hàng có liên quan vụ án, đến nay có 20 đơn vị trả lời về việc phong tỏa 20 tài khoản. Tuy nhiên, số dư hiện có trong 20 tài khoản trên đã hết hoặc còn rất ít (dưới 10 triệu đồng).
Bên cạnh đó, Công an Hà Nội đã có văn bản gửi các Văn phòng quản lý đất đai và Sở Tư pháp, Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành về việc rà soát, cung cấp thông tin về các tài sản đứng tên Công ty Nhật Nam.
Theo đó, Công ty Nhật Nam đứng tên 12 căn biệt thự tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội); 7 sổ đỏ đất ở Thanh Hóa, diện tích 100-225m2 mỗi sổ; 20 sổ đỏ đất tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích mỗi thửa 500m2 và một số ô tô.
Riêng với Vũ Thị Thúy, cơ quan chức năng xác định bị can này đứng tên 3 sổ đỏ đất tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Chiêu huy động vốn của Nhật Nam
Theo thông tin lãnh đạo Công an TP Hà Nội cung cấp, Công ty Nhật Nam đầu tư 150 tỷ đồng để mua bất động sản, góp vốn dự án tại Bắc Giang; đầu tư mua 16 biệt thự tại Sơn Tây, 7 ô đất tại Thanh Hóa.
Ngoài ra, Thúy và chồng còn đứng tên cá nhân để mua các bất động sản, cổ phần công ty trị giá khoảng 92 tỷ đồng. Năm 2019, công ty mở 3 nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội và TPHCM nhưng hoạt động không hiệu quả nên đóng cửa vào cuối năm 2022.
Cũng trong năm 2019, Thúy thành lập Công ty Nhật Nam nhưng không góp vốn cổ đông, mục đích thành lập là để huy động vốn từ các cá nhân. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này trong 3 năm 2019-2021 đều thua lỗ.
Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 13/3/2022 và 2/7/2022, Thúy tổ chức 2 hội thảo lớn, thu hút hơn 5.500 người tham dự. Thúy cũng mở 32 văn phòng đại diện tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức quảng bá, huy động vốn.
Tại các buổi hội thảo, Thúy sử dụng một số cá nhân có uy tín trong xã hội, có thời gian công tác trong ngành pháp luật để giới thiệu về việc công ty kinh doanh uy tín, trả gốc lãi đầy đủ... Bên cạnh đó, Thúy cho đăng tải thông tin, các đoạn phim quảng cáo về doanh nghiệp và hoạt động huy động vốn trên mạng xã hội.
Đồng thời, Nhật Nam lôi kéo, đào tạo các khách hàng đã gửi tiền góp vốn trở thành các nhân viên kinh doanh và trả tiền hoa hồng 15-20% giá trị hợp đồng để các cá nhân tiếp tục lôi kéo thêm những người khác góp vốn vào công ty.
Làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam quảng cáo sở hữu nhiều bất động sản, triển khai đầu tư nhiều dự án ở Hà Nội, Phú Quốc, Hòa Bình, Bình Thuận...; kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Quảng cáo còn cam kết các hoạt động trên đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao.
Công ty này cam kết trả tiền gốc và lãi cho khách hàng theo ngày, trong 2 năm, lãi suất 34-46%/năm thông qua ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội xác định, Nhật Nam không được cấp phép dự án, không sở hữu bất động sản nào tại Bình Thuận, Hòa Bình và huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Bằng các thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến 2022, Nhật Nam đã tổng thu hơn 8.900 tỷ đồng của khoảng 20.000 cá nhân, thông qua 45.525 Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Công ty này sử dụng hơn 4.000 tỷ đồng để chi trả tiền gốc và lãi cho các cá nhân; chi hơn 520 tỷ đồng để duy trì hoạt động của công ty; trả hơn 2.200 tỷ đồng cho các cá nhân môi giới, giới thiệu huy động vốn; chi riêng cho Thúy hơn 630 tỷ đồng. Còn lại gần 1.000 tỷ đồng, cơ quan điều tra chưa rõ nội dung chi, sử dụng.
Hiện Công an Hà Nội đã ghi được lời khai của 111 bị hại, với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 138 tỷ đồng.