1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Công lý không có “cửa riêng” cho quan tòa

Ông Nguyễn Tuấn Chiêm - nguyên thẩm phán TAND Tối cao - bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS. Ông Chiêm là chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn và đã tuyên án chung thân với tội danh “Giết người”.<br><a href='http://dantri.com.vn/phap-luat/khoi-to-nguyen-tham-phan-tand-toi-cao-xu-ong-chan-bi-tu-oan-10-nam-950284.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Khởi tố nguyên Thẩm phán TAND Tối cao xử ông Chấn bị tù oan 10 năm</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/phap-luat/them-mot-ban-tu-cua-ong-chan-duoc-vksnd-toi-cao-khang-nghi-giam-doc-tham-946989.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Thêm một “bạn tù” của ông Chấn được VKSND Tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/phap-luat/noi-oan-con-hon-vu-ong-chan-943975.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Nỗi oan còn hơn vụ ông Chấn</b></a>

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn là điển hình của oan sai. Phải xử lý người gây ra oan sai mới công bằng và đúng phép nước. Cho nên, khởi tố nguyên thẩm phán Nguyễn Tuấn Chiêm rất được dư luận đồng tình.

Trước đó, thượng tá Lê Đức Hoàn - Phó trưởng Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - bị khởi tố bị can với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ 5 công an dùng nhục hình làm chết ông Ngô Thanh Kiều. Dư luận đã kiên nhẫn lên tiếng đòi lôi thượng tá Lê Đức Hoàn ra tòa, vì chính ông là người chỉ huy vụ bắt tạm giam và lấy cung nạn nhân.

Cái chết đó không chỉ thuộc trách nhiệm của người trực tiếp đánh đập, nhục hình. Mặc dù tòa sơ thẩm “bỏ lọt” trường hợp Lê Đức Hoàn, nhưng quyết định khởi tố từ cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cho thấy công lý không có “cửa riêng” cho ai lọt qua. Quyết định khởi tố nguyên thẩm phán TAND Tối cao cũng cho thấy công lý không có “cửa riêng” cho quan tòa.

Ông Nguyễn Tuấn Chiêm được tại ngoại. Nếu như ông bị tạm giam đôi ngày, có lẽ ông sẽ có được những trải nghiệm ngục tối để hiểu và chia sẻ phần nào nỗi đau khổ của ông Nguyễn Thanh Chấn trong suốt gần 4.000 ngày ngồi tù oan. Thượng tá Lê Đức Hoàn cũng được tại ngoại. Nếu như ông bị còng tay, còng chân vào ghế khi hỏi cung (không cần đánh đập), ông cũng sẽ thấu hiểu được sự đau đớn của công dân Ngô Thanh Kiều trước khi chết vì bị nhục hình.

Một vụ án có dấu hiệu oan sai khác cũng đang được lật lại sau hơn 14 năm người tù Huỳnh Văn Nén chịu án chung thân về tội giết người. Bi kịch của Huỳnh Văn Nén và gia đình trong vụ thảm án “vườn điều” ở Bình Thuận còn kinh khủng hơn bi kịch Nguyễn Thanh Chấn. Cũng chỉ vì bị ép cung mà từ lời khai của Huỳnh Văn Nén, gia đình vợ Nén - cả thảy 9 người - lâm vào con đường tù tội, có người không chờ được ngày minh oan đã phải về với tổ tiên.

Huỳnh Văn Nén được minh oan vụ án “vườn điều” nhưng lại “dính vụ án giết bà Bông mà luật sư đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng. Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 23.9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc đến trường hơp của tù nhân Nén: “Có dấu chân tại hiện trường vậy, kích cỡ lệch nhau như vậy mà cơ quan điều tra còn không cần so lại với nghi phạm, không đo đạc, đối chiếu mà vẫn xử, để xảy ra oan sai, tù tội hơn 14 năm nay với một con người”.

Người dân chờ đợi những phiên tòa xét xử ông Nguyễn Tuấn Chiêm, ông Lê Đức Hoàn và có thể sẽ thêm những người liên quan đến vụ án Huỳnh Văn Nén. Không ai muốn một người khác phải “vô phúc đáo tụng đình”, nhưng công lý phải được thực thi. Nếu như những người gây ra oan sai và thiếu trách nhiệm để lại hậu quả cho công dân trong hoạt động tố tụng không bị xét xử, thì không thể ngăn chặn được oan sai, không thể xây dựng một nền tư pháp văn minh, tiến bộ và dân chủ.

Theo Lê Thanh Phong
Lao động