1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Công an TPHCM hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị “khủng bố” bằng chất bẩn

(Dân trí) - Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, khuyến cáo người dân khi bị “khủng bố” bằng chất bẩn nên giữ nguyên hiện trường và trình báo cho cơ quan chức năng giải quyết.

Giữ hiện trường và trình báo

Chiều 5/8, Công an TPHCM đã có buổi họp báo thông tin về vụ quán phở Hoà trên đường Pasteur (phường 8, quận 3) liên tục bị các đối tượng tạt sơn, mắm tôm…

Công an TPHCM hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị “khủng bố” bằng chất bẩn - 1

Các đối tượng được xác định đã tham gia tạt sơn vào quán phở Hoà

Nguyên nhân vụ việc được công an xác định là do việc nợ tiền nhưng không trả của ông Trần Anh Tuấn (sinh năm 1976, con rể chủ quán) với Phạm Phong Phú (sinh năm 1972, ngụ quận Tân Phú). Phú chỉ đạo đàn em tạt sơn, mắm tôm, lòng heo vào quán phở nhằm uy hiếp, bắt người thân phải trả nợ thay cho Tuấn.

Cũng tại buổi họp này, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, hướng dẫn người dân biện pháp xử lý khi bị “khủng bố” bằng chất bẩn.

Công an TPHCM hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị “khủng bố” bằng chất bẩn - 2
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM thông tin với báo chí

Theo thượng tá Nam, khi bị tạt sơn thì người dân nên giữ lại hiện trường để cơ quan có chứng cứ xử lý, đồng thời trình báo ngay cho công an địa phương.

Về vụ quán phở Hòa, thượng tá Nam cho biết: “Đầu tiên là ném ban đêm nhưng gia đình chủ quán phở Hoà âm thầm chịu đựng, tự dọn rửa chất bẩn để ngày hôm sau bán tiếp và không trình báo ngay dẫn đến sự việc kéo dài”.

Thượng tá Nam khuyến cáo: “Những vụ án, vụ việc liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê với phương thức thủ đoạn tạt chất bẩn, mắm tôm, đe doạ, khủng bố tinh thần không cần yếu tố cấu thành thiệt hại vật chất đều xử lý được nên chúng tôi mong người dân, người bị hại giữ nguyên hiện trường để công an phường, xã xuống lập biên bản làm chứng cứ xử lý các đối tượng phạm tội”.

TPHCM có 67 công ty thu hồi nợ

Về thông tin tội phạm bây giờ ngang nhiên lộng hành, thách thức pháp luật trên địa bàn thành phố, thượng tá Nam cho rằng tất cả tội phạm hoạt động ở trung tâm đến vùng ven đều bí mật, các đối tượng này che giấu thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.

 “Không có một băng nhóm nào dám ngang nhiên hoạt động, lộng hành, kể cả cướp giật cũng thực hiện hành vi rất nhanh chóng, trộm cắp lén lút. Các đối tượng gây án xong là trốn hết”, thượng tá Nam khẳng định với báo chí.

Trao đổi với báo chí, thượng tá Nam cho biết hiện TP có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó, có 46 công ty được cấp phép. Các công ty này sau khi được cấp phép thì không hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

“Những người đăng ký thành lập công ty đều là những người có học vấn cao nhưng những đối tượng đi đòi nợ thì rất bặm trợn, xăm trổ, ăn nói vô lễ. Các đối tượng này gây sức ép lên người thân của người vay để buộc trả nợ thay", thượng tá Nam nói.

Hiện nay chưa có quy định khung pháp lý về địa bàn hoạt động của các công ty đòi nợ thuê và các công ty này biến tướng rất nhiều với những hành vi đe dọa con nợ, dễ dẫn đến phạm pháp và gây bất an cho người dân, gây mất an ninh trật tự.

Thượng tá Nam cũng cho biết, Công an TPHCM sẽ kiên quyết xử lý các đối tượng tạt mắm tôm, tạt sơn và các loại tội phạm khác vì sự bình yên của người dân thành phố.

Tạt sơn, chất bẩn vào nhà người khác bị phạt như thế nào?

Luật sư Đỗ Trúc Lâm (Hãng luật Lâm Trí Việt) cho biết, theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì người nào có hành vi “Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi xảy ra hành vi vi phạm.

Công an TPHCM hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị “khủng bố” bằng chất bẩn - 3

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Hãng luật Lâm Trí Việt

Về trách nhiệm hình sự, trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng điều tra xác minh có dấu hiệu tội phạm thì người ném chất bẩn vào nhà người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

Nếu có các tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điều luật thì người phạm tội có thể bị xử phạt mức cao nhất lên đến 20 năm tù. 

Về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Điều 584, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người vi phạm gây thiệt hại còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản như: giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Hoàng Thuận