1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Công an tỉnh Hòa Bình nói gì về việc Bộ Y tế tìm ra chứng cứ mới vụ chạy thận?

(Dân trí) - Mới đây, Bộ Y tế đưa ra những chứng cứ mới và cho rằng, nguyên nhân cái chết của 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở BVĐK tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017 không giống như cáo trạng. Giám đốc Công an Hòa Bình cho biết: "Vụ án đã được xem xét ở phiên tòa phúc thẩm và đã kết thúc".

Liên quan đến nội dung trên, chiều nay (6/8), trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Phạm Hồng Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, tất cả nguyên nhân dẫn đến các bệnh nhân tử vong trong vụ chạy thận xảy ra ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã được xem xét, đánh giá trong phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 6/2019. 

"Tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của đại diện Bộ Y tế cũng được HĐXX xem xét, đánh giá. Đến nay, vụ án này đã kết thúc" - Đại tá Phạm Hồng Tuyến thông tin.

Mới đây, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế đã cung cấp chứng cứ quan trọng trong vụ án tai biến chạy thận tại Hoà Bình khiến 8 nạn nhân tử vong.

Đáng nói, hệ thống lọc RO2 liên quan trực tiếp đến vụ án này đã được "bán sắt vụn", Bộ Y tế đã mất rất nhiều thời gian để lần mò, tìm ra hệ thống này tại nhà một người dân ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Công an tỉnh Hòa Bình nói gì về việc Bộ Y tế tìm ra chứng cứ mới vụ chạy thận? - 1
Công an tỉnh Hòa Bình nói gì về việc Bộ Y tế tìm ra chứng cứ mới vụ chạy thận? - 2

Theo TS Hải, việc 3 van nước K1, K2, K3 của hệ thống RO1 bị hỏng là nguyên nhân chính khiến nước lọc thận bị ô nhiễm, gây ra sự cố cho bệnh nhân chạy thận. 

Liên quan đến vụ án sự cố y khoa xảy ra ngày  29/5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường, 8 người lần lượt tử vong và 1 người tử vong sau đó, Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.

Hệ thống nước RO1, RO2 phục vụ cho đơn nguyên chạy thận của BVĐK tỉnh Hoà Bình tại thời điểm đó đã bị cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hoà Bình cho phá dỡ trước đó. Trong đó, hệ thống RO1 được cất vào kho của BVĐK tỉnh Hoà Bình, hệ thống RO2 được thanh lý bán... sắt vụn.

Bộ Y tế đã âm thầm dành nhiều thời gian, công sức để thu thập được đầy đủ toàn bộ 2 hệ thống này. Từ những mảnh thiết bị được thanh lý sắt vụn, các chuyên gia của Viện bắt tay phục dựng lại hệ thống này. Sau hai tuần phục dựng theo sơ đồ và các hình ảnh được cung cấp, hệ thống RO2 đã được phục dựng hoàn toàn.

Một thông tin quan trọng được TS Hải thông tin, đó là sau nhiều lần thực nghiệm, kết quả cho thấy nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong là do nhiễm đa chất, nguyên nhân do hỏng cùng lúc 3 van K1, K2, K3 của hệ thống RO1 chứ không phải do tồn dư HF.

Hơn nữa, theo TS Hải, triệu chứng điển hình của ngộ độc đa chất mức độ thấp chủ yếu là phản vệ và sốc phản vệ.

Còn nếu ngộ độc đơn chất HF theo như cáo trạng bản án thì với liều gấp 2,5 lần đã gây tử vong, khi đó bệnh nhân phải có các triệu chứng điển hỉnh cấp tính của ngộ độc Florua. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện rung thất, mất tuần hoàn và tử vong rất nhanh chứ không thể tới 1h20’ sau khi chạy máy lọc thận.

Theo tài liệu điều tra của Công an tỉnh Hòa Bình: bị can Bùi Mạnh Quốc (cựu Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) là người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên thận nhân tạo - BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Trong quá trình thực hiện Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc (đây là những loại hóa chất không có trong Danh mục hóa chất được dùng trong y tế), quá trình thao tác do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.

Đồng thời khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI như hợp đồng đã ký kết, nhưng do quá tự tin nên sáng ngày 29/5/2017, Quốc đã bỏ mặc cho việc đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng dẫn đến gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong và 1 người tử vong sau đó.

Nguyễn Dương