Công an Tây Hồ hòa giải vụ cướp: Tranh luận "nảy lửa" về tội danh
(Dân trí) - Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt nhóm bị cáo về tội "Cướp tài sản" nhưng giới luật sư vẫn có những tranh luận trái chiều về tội danh truy tố các bị cáo này.
TAND TP Hà Nội vừa xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, ở quận Ba Đình, Hà Nội) 24 tháng tù về tội "Cướp tài sản". Ngoài ra, 4 đồng phạm của Tài nhận mức án từ 15 tháng tù (hưởng án treo) đến 20 tháng tù giam.
Theo nội dung vụ án, năm 2016, anh H. vay của Tài 10 triệu đồng, mới trả được 6 triệu đồng thì tắt điện thoại, tránh mặt Tài. Ngày 21/9/2016, các đối tượng phát hiện anh H. đang uống nước ở An Dương (quận Tây Hồ) liền tiến tới đòi tiền.
Anh H. bỏ chạy và hô "cướp, cướp" thì 5 bị cáo đuổi theo đánh anh H., ép ngồi lên xe máy và giữ một điện thoại iPhone 5 của anh, không cho nạn nhân gọi điện cho ai. Khi các đối tượng đang chở anh H. đến nơi khác, nạn nhân lợi dụng sơ hở, chạy vào trụ sở công an gần đó. Thấy vậy, một bị cáo vứt điện thoại của anh H. vào cổng trụ sở rồi bỏ về.
Ngày hôm sau, Tài được triệu tập tới Công an quận Tây Hồ làm việc và khai báo hành vi của mình. Tối cùng ngày, Tài bị ra lệnh tạm giữ hình sự nhưng sau đó lại được đưa ra ngoài cho người nhà đón về.
Những ngày sau, Công an quận Tây Hồ mời Tài và anh H. tới trụ sở hòa giải. Tài bồi thường cho anh H. 15 triệu đồng và thay lại màn hình chiếc iPhone 5 của anh.
Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, các bị cáo trên lần lượt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đầu thú. Vụ án từ đó được khởi tố, đưa ra xét xử.
Tội danh nào phù hợp?
Theo dõi phiên tòa xét xử vụ án này, luật sư Trần Thị Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi đánh người, đòi tiền anh H. của bị cáo Tài và đồng phạm không cấu thành tội "Cướp tài sản".
Luật sư Ngọc phân tích, Điều 168 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, cướp tài sản là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào trạng thái không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
"Chủ thể của tội danh 'Cướp tài sản' phải thỏa mãn 2 dấu hiệu bắt buộc là có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự và phải có mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, các bị cáo chỉ thỏa mãn một dấu hiệu đó là nhóm Tài dùng vũ lực đối với anh H., nhưng không thỏa mãn dấu hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản bởi số tiền bị cáo đòi (4 triệu đồng) là tài sản của bị cáo Tài đang bị anh H. chiếm đoạt." - bà Ngọc nhận định.
Luật sư Trần Thị Ngọc đánh giá, hành vi dùng vũ lực của Tài và đồng phạm có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích". Tùy theo tính chất, mức độ, tỷ lệ thương tích của anh H., các bị cáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính. Đây là loại tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại và phải có kết quả giám định thương tích của bị hại.
"Những vụ việc từ người bị mất tài sản trở thành bị cáo xảy ra không hiếm, để lại băn khoăn cho không ít người vì cách đánh giá tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc hành hung người khác để ép trả nợ hoàn toàn khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp tài sản." - luật sư Ngọc nêu quan điểm.
Không đồng quan điểm với luật sư Trần Thị Ngọc về lập luận cho rằng hành vi của bị cáo Tài cùng đồng phạm có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích", tuy nhiên, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cũng nhận định, hành vi của các bị cáo không thỏa mãn dấu hiệu của tội "Cướp tài sản".
Theo phân tích của luật sư Tuấn, trong vụ án này, do anh H. thiếu nợ 4 triệu đồng của bị cáo Tài nên bị cáo cùng các đồng phạm đã đuổi đánh, bắt giữ, ép anh H. gọi điện về cho gia đình mang tiền đến trả. Mặc dù có hành vi dùng vũ lực uy hiếp về mặt tinh thần đối với anh H. nhưng việc bắt giữ anh H. của bị cáo và các đồng phạm nhằm mục bắt nợ nên không thỏa mãn dấu hiệu của tội "Cướp tài sản".
Hành vi lấy chiếc điện thoại iPhone 5 của bị cáo Tài và đồng phạm, theo luật sư Tuấn, cũng không thỏa mãn tội "Cướp tài sản".
"Ý thức chủ quan của các bị cáo không nhằm mục đích chiếm đoạt. Vì sợ bị phát hiện nên bị cáo Tài đã chỉ đạo đồng phạm lấy điện thoại iPhone 5 từ túi quần của anh H. để không cho anh H. gọi điện cho gia đình cầu cứu. Do sợ bị tố cáo nên đồng phạm của Tài đã vứt trả lại trước cửa Công an phường Tràng Tiền rồi bỏ về." - ông Tuấn lập luận.
Để đánh giá đúng bản chất hành vi của các bị cáo, từ đó áp dụng tội danh phù hợp, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, việc này phụ thuộc vào tài liệu, chứng cứ, lời khai chi tiết của bị cáo và người liên quan trong suốt quá trình tố tụng.