1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hải Phòng:

Công an chỉ rõ 8 chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

An Nhiên

(Dân trí) - Trước thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn biến phức tạp, Công an TP Hải Phòng vừa đưa ra 8 chiêu tội phạm sử dụng để dụ "con mồi".

Theo Công an TP Hải Phòng, 8 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội gồm: Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc lại và chiếm đoạt số tiền đó.

Công an chỉ rõ 8 chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng - 1

Các chiêu tội phạm sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng vừa được công an chỉ rõ (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).

Giả danh là cán bộ ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền internet banking của khách hàng bị lỗi, yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Sau đó, sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.

Giả danh công an, tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do lo sợ thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. Theo cơ quan công an, chiêu này từng xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng. Cụ thể, các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook...) mạo danh. Sau đó, các đổi tượng sử dụng tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới... và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến.

Lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (zalo, facebook...) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại. Sau đó, sử dụng nhiều chiêu trò, tạo niềm tin để các bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo ứng dụng (app) các đối tượng đã gửi. Khi bị hại đăng nhập app để vay tiền thì app sẽ báo lỗi, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được (sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay) sau đó chiếm đoạt.

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... Khi bị hại kết nối và đặt cọc hoặc thanh toán số tiền theo thỏa thuận, các đối tượng chặn liên hệ, đổi số điện thoại và chiếm đoạt số.