1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Có tình trạng mặc trang phục gần giống lực lượng vũ trang để đòi nợ thuê

Hoàng Lam

(Dân trí) - Bộ Công an chỉ rõ có trường hợp mặc quần áo gần giống trang phục công an, quân đội tham gia đòi nợ thuê. Ngành chức năng đã thu giữ hơn 9.400 vật phẩm gần giống trang phục của các lực lượng vũ trang.

Trong công văn trả lời kiến nghị của cử tri huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ Công an đã thông tin cụ thể về tình trạng mua bán, sản xuất, sử dụng quần áo gần giống với lực lượng vũ trang.

Theo Bộ Công an, qua rà soát có khoảng 460 người thuộc 21 địa phương sử dụng trang phục quần, áo gần giống với lực lượng vũ trang; 17 hội, nhóm trên không gian mạng lôi kéo người dân sử dụng trang phục này để bán hàng, tụ tập gây mất an ninh trật tự.

Người sử dụng trang phục gần giống với lực lượng vũ trang chủ yếu mua trên mạng và một số điểm bán hàng nhỏ lẻ, nguồn gốc chuyển từ nước ngoài vào, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Có tình trạng mặc trang phục gần giống lực lượng vũ trang để đòi nợ thuê - 1

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, xử lý một trường hợp mua bán quần, áo rằn ri tại huyện Nghi Lộc vào năm 2023 (Ảnh: Quang Hiếu).

Ngoài những cơ sở trong công an, quân đội được cấp phép sản xuất trang phục công an, quân đội, Bộ Công an chưa phát hiện, cấp phép cho cơ sở khác trong nước được sản xuất mặt hàng liên quan đến quần, áo, trang phục của lực lượng vũ trang.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Công an đã phân loại các nhóm có sử dụng trang phục quần, áo gần giống với lực lượng vũ trang.

Cụ thể, nhóm thứ nhất là lao động tự do yêu thích đồ gần giống lực lượng vũ trang, không nhận thức được trang phục gần giống lực lượng vũ trang có tác động, ảnh hưởng đến dư luận xã hội và tình hình an ninh, trật tự nên tìm mua sử dụng.

Thứ hai là một số theo hội nhóm sử dụng trang phục gần giống lực lượng vũ trang đi chơi, ăn uống, du lịch, cà phê, quay phim, chụp ảnh đăng trên các trang mạng xã hội nhằm gây ấn tượng, lôi kéo người sử dụng để thu lợi từ kinh doanh mặt hàng này.

"Một số đối tượng mặc trang phục này khi tham gia vào hoạt động đòi nợ thuê", văn bản Bộ Công an nêu rõ.

Có tình trạng mặc trang phục gần giống lực lượng vũ trang để đòi nợ thuê - 2

Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Nghệ An xử lý trường hợp mượn quần áo công an quay clip đăng tiktok để câu view (Ảnh: Bá Trí).

Nhóm thứ ba là một số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, thương phế binh có dấu hiệu thành lập các hội, nhóm theo đơn vị, binh chủng, sắc lính, khóa học của Việt Nam Cộng hòa tham gia các hoạt động từ thiện, "chiêu hồn", "cúng vong linh", tìm hài cốt, thăm viếng "chiến trường xưa" và số lính Việt Nam Cộng hòa chết trận; nhằm khơi gợi hận thù quá khứ, nhận tài trợ từ cá nhân, tổ chức bên ngoài phục vụ hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, tiềm ẩn yếu tố chính trị, gây mất an ninh trật tự...

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương gọi hỏi, đấu tranh với số đối tượng tàng trữ, sử dụng, sản xuất, mua bán trang phục gần giống lực lượng vũ trang; phối hợp quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh trang phục gần giống lực lượng vũ trang.

Qua công tác kiểm tra, ngành chức năng phát hiện, thu giữ hơn 9.400 vật phẩm, trong đó có nhiều loại chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại văn bản này, Bộ Công an cũng nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm quản lý, ngăn chặn người dân tự do sử dụng trang phục quần áo gần giống của lực lượng vũ trang, gây mất an ninh, trật tự, tạo dư luận phức tạp.