1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Viện Kiểm sát: Có căn cứ Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản

(Dân trí) - Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, Trịnh Xuân Thanh có vai trò xuyên suốt về hợp đồng số 33 sai phạm trong việc xin tiền tạm ứng... Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, việc truy tố Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô là có căn cứ.

Vai trò Trịnh Xuân Thanh xuyên suốt Hợp đồng sai phạm

Sáng 15/1, phiên tòa xét xử vụ kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tại TAND TP Hà Nội tiếp tục được diễn ra.


Trịnh Xuân Thanh và vai trò xuyên suốt trong Hợp đồng sai phạm.

Trịnh Xuân Thanh và vai trò xuyên suốt trong Hợp đồng sai phạm.

Khoảng nửa buổi sáng phiên xử, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đưa ra quan điểm buộc tội về việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định thầu cho Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vấn đề lợi ích nhóm trong quá trình sử dụng số tiền hàng nghìn tỉ đồng tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Sau đó, đại diện VKSND TP Hà Nội tiếp tục phản biện quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đại diện VKS, ngoài nội dung xác định thiệt hại đã được đối đáp, luật sư còn đề nghị chỉ rõ hành vi của ông Thanh trong việc chỉ đạo Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) PVC ký hợp đồng EPC 33 (về việc: “Thiết kế, chế tạo kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói, vận chuyển… lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu EPC xây dựng Nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2.), chi – xin tạm ứng trái quy định.

Kiểm sát viên cho rằng, nội dung này đã làm rõ tại tòa, đặc biệt với nội dung bào chữa của bị cáo Tiến (Nguyễn Mạnh Tiến – nguyên Phó TGĐ PVC) hôm qua (14/1), thể hiện Trịnh Xuân Thanh xuyên suốt quá trình ký hợp đồng EPC, xin - chi tiền tạm ứng, bao trùm toàm bộ hoạt động của PVC trong thời gian ông Thanh làm chủ tịch tại đây.

“Tôi đánh giá cao nội dung bào chữa của bị cáo Tiến hôm qua, phù hợp với tài liệu, cáo trạng truy tố. Tôi xin bổ sung cáo trạng truy tố Trịnh Xuân Thanh của VKSND Tối cao có căn cứ”, vị đại diện VKS nói.

Theo vị đại diện VKS, tại biên bản ghi lời khai, Thanh khai bản thân cũng như Thuận… đều nắm được hồ sơ yêu cầu của tổng thầu, là căn cứ ký hợp đồng 33 EPC chưa có. Về tài liệu chứng minh, qua các thông báo vào năm 2011, về việc chỉ đạo ký hợp đồng trong đó có chuyển về Ban Tổng giám đốc, HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh biết rõ khi ký hợp đồng thì thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… chưa có và chưa hoàn thiện.


Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, cặp đôi trong việc xin tạm ứng hàng ngàn tỉ đồng và.

Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, cặp đôi trong việc xin tạm ứng hàng ngàn tỉ đồng và.

Cũng theo người giữ quyền công tố: “Ngày 25/2/2011, PVC có công văn gửi PVN cam kết hoàn thiện chi tiết hồ sơ của hợp đồng số 33 ký. Như vậy, ngày 28/2 ký hợp đồng nhưng ngày 25/2 vẫn chưa hoàn thiện, phải cam kết hoàn thiện”.

Kiểm sát viên cũng dẫn các biên bản ghi lời khai trong quá trình điều tra. Trong đó, bị cáo Vũ Đức Thuận khai, việc ký hợp đồng 33 theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, mục đích là để tạm ứng tiền do lúc này PVC đang khó khăn về tài chính.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC khai, lúc đó PVC rất cần vốn tạm ứng vì các khoản vay tập đoàn và các tổ chức tín dụng sắp đến hạn. Vì vậy, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo ký ngay EPC dù chưa hoàn thiện thủ tục.

Ngoài ra, kiểm sát viên xác định, ngày 25/8/2010, Trịnh Xuân Thanh ký cam kết mua 5 triệu cổ phần của PVC Nghệ An. Sau đó, Thanh lấy phiếu ý kiến trong đợt tăng vốn điều lệ của PVC Nghệ An rồi ký quyết định PVC góp vốn vào PVC Nghệ An với tư cách cổ đông chiến lược. Thực tế, có 30 tỷ đồng từ dự án Thái Bình 2 chuyển về Nghệ An.

Tiếp đó, ngày 6/3/2012, Trịnh Xuân Thanh ký báo cáo gửi PVN về việc dùng vốn tạm ứng, xác nhận PVC dùng tiền của dự án Thái Bình 2 vào việc khác đồng thời báo cáo phương án thu hồi.

Cáo buộc Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản là có căn cứ

Về hành vi chi tiền, kiểm sát viên dẫn chứng các bản hỏi cung cho thấy, bị cáo Vũ Đức Thuận khai: “Việc PVC dùng tiền của dự án vào dự án khác là chỉ đạo của Thanh trong đó có trách nhiệm của tôi… Tôi đã báo cáo rõ với anh Thanh và các thành viên trong cuộc họp giao ban tuần, tháng, quý về việc sử dụng tiền của dự án vào dự án khác. Ngoài tôi có anh Tiến… cũng báo cáo miệng. Anh Thanh quyết định dùng tiền dự án vào việc khác ngoài dự án”.

Đại diện VKS khẳng định có căn cứ buộc tội Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản.
Đại diện VKS khẳng định có căn cứ buộc tội Trịnh Xuân Thanh về tội "tham ô tài sản".

Tương tự, bị cáo Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng khai khi hỏi cung: “Tôi báo cáo nhanh về tài chính PVC gửi HĐQT và ban TGĐ, nêu rõ PVC đã đầu tư quá nguồn vốn hơn 1.000 tỷ… nhưng HĐQT vẫn quyết định đầu tư góp vốn trước khi tăng vốn điều lệ… Trong thời điểm này, PVC không nhận bất cứ nguồn tiền nào khác ngoài từ dự án Thái Bình 2, nếu có thì rất nhỏ”.

Về tội tham ô của ông Thanh, kiểm sát viên nhắc lại quan điểm của luật sư về việc truy tố ông Thanh thiếu căn cứ; túi đựng 4 tỷ đồng tiêu Tết, ông Thanh không nhận; có chứng cứ ngoại phạm…

Đại diện VKSND cho rằng, việc truy tố không chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo mà còn nhiều tài liệu, chứng cứ khác chứng minh. Người giữ quyền công tố cho rằng, chứng minh Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chỉ đạo tham ô có căn cứ.

Cụ thể, lời khai của các bị cáo Thuận và Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó TGĐ PVC, Bùi Mạnh Hiển – nguyên Chánh văn phòng PVC đều thừa nhận Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận trao đổi, thống nhất các đơn vị thành viên phải gửi tiền về PVC qua đầu mối là Bùi Mạnh Hiển.

Bị cáo Vũ Đức Thuận cũng khai: “Khi tôi được bổ nhiệm TGĐ PVC, anh Thanh có chủ trương nhận tiền từ đơn vị thành viên để đối ngoại. Anh Thanh chỉ đạo, thống nhất đầu mối nhận tiền…”.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

Tuấn Hợp