1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Chuẩn bị xét xử nhóm cán bộ ngân hàng Nam Việt

(Dân trí) - “Tiếp tay” cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỉ đồng, 10 bị can nguyên là cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngân hàng Nam Việt bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 21/2, thông tin từ TAND TPHCM cho biết cơ quan này đã hoàn tất hồ sơ chuẩn bị xét xử 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự kiến phiên tòa này sẽ diễn ra vào ngày 28/2. Phiên tòa do thẩm phán Vũ Thanh Lâm (Phó chánh tòa hình sự TAND TPHCM) làm chủ tọa phiên tòa và sẽ kéo dài tới ngày 16/3.

Tiếp tay “siêu lừa” Huyền Như, nhiều cán bộ ngân hàng Nam Việt hầu tòa
Tiếp tay “siêu lừa” Huyền Như, nhiều cán bộ ngân hàng Nam Việt hầu tòa

Các bị can bị truy tố gồm: Lê Quang Trí (sinh năm 1967, nguyên Tổng giám đốc Navibank), Cao Kim Sơn Cương (sinh năm 1967), Nguyễn Giang Nam (sinh năm 1971), Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1974, cả 3 cùng là nguyên Phó Tổng Giám đốc), Trần Thanh Bình (sinh năm 1980, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng), Phạm Thị Thu Hiền (sinh năm 1968, nguyên Trưởng phòng Pháp chế), Nguyễn Ngọc Oanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro), Đinh Thị Đoan Trang (sinh năm 1977, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng), Đoàn Đăng Luật (sinh năm 1978,nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tiền tệ); Huỳnh Vĩnh Phát (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Kế toán).

Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010 – 27/5/2011, Hội đồng tín dụng của Navibank gồm Cương, Hồng Sơn, Nam, Bình, Trang, Hiền, Oanh dưới sự chủ trì của Trí đã chấp thuận 100% chủ trương cấp tín dụng 1.543 tỉ đồng cho 14 nhân viên của Navibank. Sau đó, số tiền này được các nhân viên trên đem gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánhTPHCM để lấy lãi suất cao theo thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn là 16,5%/năm đến 22,5%/năm.

Điều đáng chú ý, sau khi thông qua chủ trương, các bị can kể trên đã làm hợp đồng tín dụng cho nhân viên vay tiền, tờ trình thẩm định vay vốn, đề xuất cho vay, thực hiện giải ngân, hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè trong cùng ngày 27/5/2011. Huỳnh Vĩnh Phát chịu trách nhiệm nhận tiền chênh lệch lãi suất và chuyển lại cho 14 nhân viên Navibank trả lãi suất vay khi đến hạn hợp đồng.

Khi nhận 14 hồ sơ từ Navibank, Như không làm thủ tục mở tài khoản cho 14 nhân viên Navibank tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè theo quy định mà cho nhân viên của mình mang hồ sơ đến mở tài khoản tiền gửi tại Phòng giao dịch Võ Văn Tần để lập các chứng từ giả, giả chữ ký của chủ tài khoản, chuyển tiền ra khỏi tài khoản của các nhân viên Navibank để sử dụng cá nhân, chiếm đoạt tiền của Navibank.

Theo cáo trạng, 14 nhân viên này chỉ đứng tên trên thủ tục pháp lý, trước khi thực hiện việc này họ biết chủ trương của lãnh đạo Navibank và tự nguyện thực hiện mà không hưởng lợi gì.

Cáo trạng xác định, từ 19/11/2010 đến 26/7/2011, Navibank cho tổng cộng 14 nhân viên đứng tên 47 hợp đồng vay hơn 1.543 tỉ đồng của chính Navibank, rồi đem gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM. Tổng số tiền lãi suất Navibank thu được là gần 76 tỉ đồng, trong đó lãi chênh lệch ngoài hợp đồng là hơn 24 tỉ đồng. Đến ngày 7/9/2011, Navibank đã nhận 1.343 tỉ đồng tiền gốc, còn 200 tỉ đồng bị Như chiếm đoạt.

Xuân Duy