Gần 5.000 người tham gia phiên tòa xét xử "đại án" Alibaba
(Dân trí) - Phiên tòa xét xử "đại án" Alibaba dự kiến sẽ kéo dài gần 1 tháng và có khoảng 5.000 tham gia.
Sau nhiều tháng điều tra bổ sung, ngày mai (8/12), TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Đây là vụ án "kỷ lục" về số lượng bị hại, số lượng bút lục hồ sơ, người liên quan. Cụ thể, hồ sơ gồm cả triệu bút lục, được đựng trong 140 rương phải chuyển bằng hai xe tải; gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó gần 4.000 bị hại và 100 người có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập (theo quyết định đưa ra xét xử)...
Để phục vụ phiên xử, cơ quan chức năng lên kế hoạch tăng cường lực lượng an ninh, chuẩn bị thêm bàn ghế dự phòng. Đến nay, việc dựng rạp, trang bị ghế ngồi, quạt gió đã cơ bản hoàn thành. Tòa cũng đặt màn hình và camera để truyền các hình ảnh trực tiếp từ phiên tòa ra ngoài sân.
Ngoài ra, để hàng ngàn người làm việc liên tục gần một tháng, tòa sẽ bố trí nước uống miễn phí tại các khu vực diễn ra phiên xử.
Do số bị hại quá đông, tòa không thể thẩm vấn trong ngày nên phải chia thành các nhóm bị hại theo từng dự án.
Các bị hại đều đã nhận được giấy triệu tập và cần đến đúng ngày để tòa thẩm vấn. Số lượng bị hại chia ra nhiều ngày chứ không tập trung để tránh mất thời gian đi lại và tòa cũng không quá tải.
Phiên tòa do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị cho việc xét xử, tòa phải thành lập tổ giúp việc gồm 4 thẩm phán và 4 thư ký. Đại diện Viện kiểm sát có 3 kiểm sát viên là bà Lê Thị Đông, ông Phạm Văn Hiển, ông Châu Hoàng Sơn và nhiều thành viên dự khuyết.
Tham gia phiên tòa có hơn 40 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài tới ngày 6/1/2023.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 5/2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Trong hai năm, công ty thay đổi vốn thêm hai lần lên mức 1.600 tỷ đồng. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh dự án bất động sản không có thật.
Vợ chồng Luyện và đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền 2.384 tỷ đồng.
Nhà chức trách cáo buộc, Luyện dùng một phần tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh.
Sau đó, Chủ tịch Công ty CP địa ốc Alibaba chỉ đạo người thân, nhân viên đứng tên nhận chuyển nhượng đất, ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập để các công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.
Luyện và cấp dưới dùng chiêu huy động vốn theo hình thức đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án "ma". Khi bán cho các nạn nhân, Công ty CP địa ốc Alibaba hứa mua lại đất nền giá cao hơn với lợi nhuận 30% chỉ sau một năm, hoặc có lãi ngay sau khi mua và tăng dần theo thời gian
Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty CP địa ốc Alibaba để doanh nghiệp này trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án.
Việc này cũng nhằm tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng. Sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng nhưng tiền được nộp về Công ty CP địa ốc Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Toàn bộ dự án dân cư được vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà Công ty CP địa ốc Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.