Chiêu trò hoãn án tù của "bông hồng lừa đảo" khét tiếng nước Mỹ
(Dân trí) - Ngoài việc sinh con để tránh vào tù, "nữ tỷ phú lừa đảo" còn bí mật đặt vé máy bay định chuồn sang Mexico, song giới chức Mỹ đã phát hiện âm mưu này.
Mới đây, "tỷ phú lừa đảo" Elizabeth Holmes đã sinh đứa con thứ hai, theo một tài liệu mà các luật sư của cô ta nộp lên tòa án vào tuần cuối tháng 2 để yêu cầu được hoãn bản án 11 năm tù vì tội Lừa đảo.
Nỗ lực trì hoãn vào tù
Sự việc xảy ra trong bối cảnh Elizabeth, người sáng lập công ty Theranos, từng mang danh hiệu "nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới", đang nỗ lực kháng cáo bản án 11 năm tù. Phiên điều trần đầu tiên trong quá trình kháng cáo sẽ diễn ra vào ngày 17/3.
"Siêu lừa đảo ở thung lũng Silicon" xuất hiện ở nơi công cộng trong tình trạng mang thai từ tháng 11 năm ngoái, khi một tòa án ở thành phố San Jose, bang California, Mỹ đang xét xử cô ta với 4 tội danh lừa đảo và âm mưu lừa đảo. Tòa án phải hoãn phiên xử để chờ bị cáo 38 tuổi sinh con với người bạn đời Billy Evans.
Sau khi tòa tuyên phạt Elizabeth mức án 11 năm tù, hồi tháng 12 năm ngoái, các luật sư đã thành công trong việc thuyết phục thẩm phán cho phép "bông hồng lừa đảo" lùi thời điểm bắt đầu chấp hành án tù, với lý do đứa con sắp chào đời sẽ thôi thúc cô ta tuân thủ các điều kiện tại ngoại.
Giờ đây, họ vận động tòa án cho phép Elizabeth tại ngoại, với lý do cô ta không vi phạm bất kỳ quy định nào trong 4 năm rưỡi qua - khoảng thời gian nhà chức trách bắt và truy tố cô ta.
Dù vướng lao lý, Elizabeth vẫn theo đuổi lối sống xa hoa. Hồi tháng 11 năm ngoái, The New York Post đưa tin cô ta và chồng ở trong một căn biệt thự sang trọng mà chỉ riêng chi phí để duy trì hoạt động của nó đã lên tới 13.000 USD mỗi tháng.
Hồi tháng 1, Bloomberg dẫn lời các công tố viên tuyên bố Elizabeth dường như không hề tỏ ra ăn năn về hành vi lừa đảo những nhà đầu tư đã chi hàng trăm triệu USD cho công ty của cô ta. Họ cũng cáo buộc cựu giám đốc Theranos đang tìm cách trốn ra nước ngoài, vì cô ta từng cố gắng thuyết phục tòa án giảm các quy định đối với hoạt động đi lại của cô ta và từng đặt vé bay một chiều tới Mexico hồi tháng 1/2022, ngay sau khi cô ta bị tòa tuyên án.
Chỉ sau khi bị lực lượng chức năng cảnh báo, Elizabeth mới hủy chuyến bay.
Vụ lừa đảo thế kỷ của "nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ"
Ở tuổi 19, Elizabeth Holmes đã lừa các nhà đầu tư hàng triệu USD bằng cách bịa đặt rằng công ty của cô ta đã phát minh ra một thiết bị xét nghiệm máu mới để phát hiện nhiều bệnh nan y như tiểu đường, ung thư... chỉ với vài giọt máu. Cô ta tuyên bố thiết bị này sẽ mở ra một cuộc cách mạng xét nghiệm máu và giúp bệnh nhân kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe. Công ty Theranos của cô ta từng được định giá tới 9 tỷ USD, còn giới truyền thông và giới đầu tư từng ca ngợi Elizabeth là "thần đồng y khoa" hay "Steve Jobs phiên bản nữ".
Danh sách các nhà đầu tư bao gồm nhiều nhân vật danh tiếng, trong đó có cả những chính khách tiếng tăm hay người của các gia tộc giàu có trên thế giới.
Từng học ngành kỹ sư hóa học Đại học Stanford, Elizabeth đã nộp đơn xin cấp hơn 80 bằng sáng chế tới năm 2016. Có lẽ thành tích đáng nể ấy là lý do khiến nhiều nhân vật tiếng tăm tin tưởng những lời dối trá của cô ta.
Ngành công nghiệp xét nghiệm không chứng kiến nhiều đột phá, do hoạt động thử máu vẫn chưa thay đổi từ khi các phòng thí nghiệm hiện đại xuất hiện vào thập niên 60. Chi phí cao và tâm lý sợ đau khiến nhiều bệnh nhân trì hoãn thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết.
Ý tưởng của Elizabeth là tạo ra một công nghệ xét nghiệm máu không cần các dụng cụ như ống nghiệm, băng gạc và thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm. Chỉ cần một chiếc kim lấy máu xếp trong chiếc hộp nhỏ như đồng xu. Khoảng 70 phép loại xét nghiệm có thể được thực hiện chỉ bằng một giọt máu và trong thời gian ngắn hơn nhiều phương pháp truyền thống.
Năm 2015, tạp chí Forbes định giá tài sản của Elizabeth là 4,5 tỷ USD và cô ta được xếp là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. Cô ta cũng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2014. Danh tiếng của Elizabeth vang xa không chỉ trong mà cả bên ngoài nước Mỹ. Giới truyền thông ca ngợi cô ta vì sự thông minh, tính sáng tạo và cương quyết của một nhà khởi nghiệp.
Tuy nhiên, báo Wall Street Journal vạch trần bộ mặt của cô ta vào năm 2015, giúp mọi người nhận ra thiết bị xét nghiệm máu mới chỉ là trò lừa. Sau đó, các nhà điều tra của chính phủ Mỹ cáo buộc Elizabeth gian lận và âm mưu thực hiện hành vi gian lận điện tử.
Theo họ, cô ta phóng đại hoặc làm giả thông tin về công nghệ, số liệu kinh doanh cũng như tình hình tài chính của Theranos. "Kỳ lân" này nhanh chóng sụp đổ, và tài sản của Holmes cũng "bốc hơi" nhanh chóng.
Tháng 6/2016, tạp chí Forbes điều chỉnh tài sản của Holmes từ 4,5 tỷ USD xuống 0. Định giá Theranos cũng về 800 triệu USD.
Tháng 3/2018, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) buộc tội Elizabeth Homes và cựu giám đốc của Theranos - Ramesh "Sunny" Balwani lừa đảo quy mô lớn. Hai người đã huy động vốn từ nhà đầu tư "thông qua một cơ chế lừa đảo tinh vi, lâu năm, dựa vào việc phóng đại hoặc làm giả thông tin về công nghệ, số liệu kinh doanh và tình hình tài chính của công ty".
SEC cho rằng Theranos đã khiến các đối tác hiểu nhầm về công nghệ và đã sử dụng máy móc của bên thứ ba, thay vì của chính mình, sau đó chỉnh sửa để thực hiện một số xét nghiệm.
Công ty này còn bị cáo buộc lừa dối về doanh thu dự báo, cũng như khẳng định với nhà đầu tư rằng họ đã được giới chức cấp phép sử dụng công nghệ xét nghiệm.
Theranos và Holmes cũng bị cho là "dùng từ ngữ sai lệch" trong các văn bản truyền thông để đánh bóng tên tuổi.