Chiều nay, tòa ra phán quyết với 54 bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu"
(Dân trí) - Sau gần một tuần nghị án, HĐXX có phán quyết với 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Trong số này có một bị cáo bị đề nghị mức án tử hình.
Hôm nay (28/7) HĐXX sẽ tuyên án với 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Trong số 54 bị cáo, có 23 cựu quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, 21 người là lãnh đạo các doanh nghiệp bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu. Những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong những ngày xét xử, các bị cáo là cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, lãnh đạo doanh nghiệp… đều thừa nhận việc đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng khi thực hiện cấp phép "chuyến bay giải cứu" thời điểm dịch Covid-19.
Tại tòa, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhiều lần khẳng định không ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền để được cấp phép "chuyến bay giải cứu".
Song cựu thứ trưởng thừa nhận đã được các doanh nghiệp "lót tay" hơn 21,5 tỷ đồng là quà cảm ơn sau khi được cấp phép các chuyến bay giải cứu.
Ông Dũng bị VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế là một trong những người được xét hỏi nhiều nhất trong quá trình xét xử.
Ông Kiên bị cáo buộc nhận tiền 253 lần tương đương 42,6 tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu". HĐXX nhiều lần thẩm vấn làm rõ Kiên có đưa số tiền nhận hối lộ cho ai khác và sử dụng số tiền này như thế nào.
Đến nay, ông Kiên và gia đình đã nộp khắc phục khoảng 42 tỷ đồng trong tổng số 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ. Bị cáo này bị VKS đề nghị mức án tử hình.
Một trong những diễn biến nhận được sự quan tâm của dư luận là việc Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) một mực kêu oan. Bị cáo này khẳng định không nhận 2,65 triệu USD từ Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội để "chạy án" cho Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, Phó tổng và Tổng giám đốc Công ty Blue Sky.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn khi trả lời xét hỏi và đối chất đều khai rất rõ từng lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) và đưa lại cho Hoàng Văn Hưng để Hưng chạy án cho Hằng và Sơn.
Tuy nhiên, Hưng phản bác lại toàn bộ lời khai trên. Cựu điều tra viên thừa nhận có gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà riêng của Tuấn nhưng không trao đổi về việc chạy án mà chỉ là khuyên Hằng ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Về cáo buộc nhận một chiếc cặp do ông Tuấn gửi đến bên trong đựng 450.000 USD, Hưng thừa nhận có được đưa cho chiếc cặp này nhưng bên trong không có tiền mà chỉ có bốn chai rượu vang.
VKS đánh giá các bị cáo nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu" là người có chức vụ quyền hạn, được giao nhiệm vụ, công vụ nhất định. Song trong khi thực hiện nhiệm vụ, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ.
Hành vi đưa, nhận tiền của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1/2022.
Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc các doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng giá vé máy bay. Người chịu thiệt thòi ở đây là công dân Việt Nam ở nước ngoài đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và mong muốn về nước.
Trong vụ án trên, các bị cáo bị cáo buộc đưa, nhận hối lộ 515 lần với 165 tỷ đồng liên quan cấp phép chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.