1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xét xử nguyên Tổng giám đốc Cảng Quảng Ninh cùng đồng bọn:

Chiếm đoạt lương công nhân để... "tri ân" khách hàng (!?)

(Dân trí) - Nguyên Tổng giám đốc Cảng Quảng Ninh Vũ Khắc Từ đã khai nhận trước HĐXX như vậy tại phần xét hỏi diễn ra lúc 10h sáng nay (6/6). Bị cáo Từ đưa ra lý do là để khôi phục lại, tạo việc làm cho công nhân cần phải có nhiều chủ hàng, khách hàng ủng hộ.

Ngay từ đầu phần xét hỏi, bị cáo Từ loanh quanh đổ lỗi do các cấp dưới thực hiện. Chỉ đến khi chủ tọa công bố một số lời khai của Từ tại cơ quan điều tra, Từ mới thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Chiếm đoạt lương công nhân để... "tri ân" khách hàng (!?) - 1

Cụ thể tại tòa, Từ khai do thời điểm 2007 trước sự cạnh tranh của nền kinh tế, Cảng lại đang gặp khó khăn do một số cần cẩu chính bị gãy đổ sau giông lốc… Để khôi phục lại, tạo việc làm cho công nhân cần phải có nhiều chủ hàng, khách hàng ủng hộ.

Vì vậy, để "tri ân" những chủ hàng, khách hàng này, Từ đã chỉ đạo cho Đinh Ngọc Uyên (Phó tổng giám đốc Cảng) và Đồng Thị Bé (Kế toán trưởng) phải tạo một nguồn thu để thực hiện công tác “đối ngoại”. Cũng theo Từ, mặc dù đưa ra nhiều phương án nhưng do nếu lấy tiền từ những quỹ này buộc phải xuất hóa đơn trong khi khách hàng nhận “quà” kiểu này chắc chắn sẽ không ký. Do đó, cả ba thống nhất sẽ sử dụng tiền từ quỹ lương.

Tại tòa, Từ cũng cho rằng, lẽ ra việc sử dụng quĩ lương để chi cho công tác “đối ngoại” được đem ra bàn bạc với công nhân thì không có chuyện bị công nhân tố cáo.

Theo cáo trạng, quá trình điều hành từ cuối năm 2007, Vũ Khắc Từ đã bàn bạc với Đinh Ngọc Uyên, Đồng Thị Bé và Bùi Thị Thắm thống nhất ghi phần chi lương năng suất chia lại cho công nhân nhiều hơn chi thực tế để chiếm đoạt phần chênh lệch, chia nhau.


Nguyên Tổng giám đốc Cảng Quảng Ninh Vũ Khắc Từ khai chiếm đoạt tiền để... tri ân khách hàng.

Nguyên Tổng giám đốc Cảng Quảng Ninh Vũ Khắc Từ khai chiếm đoạt tiền để... "tri ân" khách hàng.

Gỉa chữ ký của công nhân trong gần 6 năm

Để thực hiện ý định trên, Từ, Uyên, Bé và Thắm căn cứ vào định mức tiền lương do Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam duyệt hàng năm, trước mỗi kỳ chia lại lương sẽ thống nhất số tiền rút ra. Theo phân công Uyên thực hiện phân nguồn, Từ ký duyệt để Thắm lập hai bảng thanh toán lương và bảng kê chứng từ chi tiền lương năng suất chi lại cho 36 tổ thuộc 3 công ty trực thuộc Cảng.

Trong đó, bảng lương số 1 thực tế chia lại có số tiền ít hơn so với bảng lương số 2. Sau khi lập xong 2 bảng lương như trên, Thắm chuyển cho Bé kiểm tra, thấy khớp đúng số tiền cần chi thì Bé ký và chuyển cho Uyên ký duyệt. Phần ký duyệt phiếu chi sẽ thuộc về Từ và Bé.

Sau khi hoàn tất, Thắm tổ chức phát lương năng suất chia lại cho các tổ trưởng hoặc tổ phó đại diện cho cả tổ và ký nhận vào bảng kê chứng từ. Đổng thời Thắm giao bảng thanh toán lương số 1 cho những người này mang về để công nhân ký khi nhận lương rồi nộp lại cho Thắm. Sau khi nhận lại, Thắm hủy bảng lương này đi không lưu giữ. Đồng thời Thắm ký giả chữ ký công nhân ở bảng lương số 2, Uyên ký giả chữ ký tổ trưởng và tổ phó ở bảng kê chứng từ chi lương năng suất chia lại. Hai chứng từ giả mạo chữ ký này được sử dụng là chứng từ hạch toán, quyết toán tiền lương năng suất chia lại của Cảng Quảng Ninh. Tổng số tiền 4 bị cáo chiếm đoạt từ quí 4/2007 đến quí 3/2013 tổng cộng là hơn 32 tỉ đồng.

Khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan điều tra thu giữ được nhiều bảng lương số 2 quyết toán khống đến từng công nhân của 36 tổ thuộc 3 công ty: Xếp dỡ Hạ Long, Xếp dỡ bến Cái Lân 1 và Xếp dỡ container. Cơ quan điều tra cùng đã lấy lời khai của 473 công nhân thuộc các đơn vị trên. Sau khi được xem phiếu chi, bảng tổng hợp chi lương năng suất chia lại và bảng thanh toán lương số 2 đều khẳng định đó là chữ ký giả. Số tiền họ thực lĩnh đúng với bảng lương số 1.

Cũng theo cáo trạng, các bị cáo đã thừa nhận, số tiền lập khống có được các bị cáo chia nhau một phần (chia đồng mức cho 4 người, lần cao nhất là 50.000.000 đồng/người, lần thấp nhất là 20.000.000 đồng/người), ngoài ra là chi cho đối ngoại, tri ân khách hàng… Tuy nhiên do quá trình điều tra, các bị cáo không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc "đối ngoại" này nên không có căn cứ để chấp nhận.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra vào các buổi sáng trong 4 ngày (từ ngày 6 đến 9/6).

Phạm Hải Sâm