Nghệ An
Chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, dọa tự tử khi nạn nhân đòi lại tiền
(Dân trí) - Phượng tự nhận là cháu giám đốc Sở Y tế Nghệ An, nhờ bạn đóng giả người có khả năng xin việc để lừa lấy tiền của các nạn nhân. Khi biết bị lừa, nạn nhân đến nhà đòi lại tiền thì Phương tuyên bố không trả và dọa tự tử.
Mặc dù không có công ăn việc làm nhưng Bùi Thị Phượng (SN 1985, trú tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã nhận “chạy” việc cho 4 nạn nhân, chiếm đoạt của họ 725 triệu đồng.
Đầu năm 2014, biết bà Nguyễn Thị Hoàn (trú thị trấn Anh Sơn) cần xin việc làm cho cô con gái tốt nghiệp cao đẳng kế toán, Phượng “nổ” bác họ của mình là Giám đốc Sở Y tế Nghệ An và hứa xin việc cho con gái bà Hoàn vào làm việc tại Trung tâm y tế dự phòng huyện Anh Sơn. “Suất” việc làm này có giá 150 triệu đồng, bà Hoàn phải đặt cọc trước một nửa tiền.
Cũng trong thời gian này, với thủ đoạn tương tự, Bùi Thị Phượng cũng hứa xin việc cho con trai ông Nguyễn Quốc Hùng (xã Tường Sơn). Lần này, giá xin vào Trung tâm y tế huyện Anh Sơn tăng lên 160 triệu, ông Hùng phải đưa trước cho Phượng 100 triệu đồng. Phượng cũng “ra giá” chạy việc vào Bệnh viện đa khoa Tp Vinh cho con gái ông Nguyễn Văn Thân (xã Tường Sơn, Anh Sơn) là 230 triệu đồng. Để gia đình nạn nhân thêm tin tưởng, Bùi Thị Phượng cam kết đến 15/1/2014 sẽ có giấy báo nhận việc, nếu không sẽ hoàn lại tiền. Tin tưởng Phượng, ông Thân đã giao hồ sơ, giấy tờ cùng 160 triệu cho Phượng để xin việc cho con.
Là hàng xóm, biết bà Nguyễn Thị Quỳnh có 2 người con tốt nghiệp ĐH, đang có nhu cầu xin việc vào các cơ quan nhà nước, Bùi Thị Phượng đến đặt vấn đề sẽ xin giúp cho 2 con bà Quỳnh vào làm việc tại UBND tỉnh Nghệ An và Ngân hàng NN&PTNN tỉnh Nghệ An với giá 480 triệu đồng.
Phượng nhờ chị Nguyễn Thị H. (là giáo viên một trường tiểu học tại huyện Anh Sơn) đóng giả là cán bộ ngân hàng, có chồng làm giám đốc một hãng viễn thông, có bác làm ở Trung ương) nói chuyện với bà Quỳnh để bà này yên tâm. Sau khi gọi điện kiểm tra qua chị H., thấy đúng như những gì Phượng đã giới thiệu, bà Quỳnh chuyển vào tài khoản của Phượng 390 triệu đồng.
Sau một thời gian dài không thấy Phượng xin việc cho con của mình như đã hứa, các nạn nhân lần lượt báo công an. Bà Nguyễn Thị Quỳnh bức xúc: “Bị chúng tôi đòi lại tiền, Phượng bỏ trốn ra Hà Nội. Bản thân tôi phải ra Hà Nội 3 lần tìm Phượng về giao cho bố mẹ và yêu cầu Phượng trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Một lần tôi đến nhà Phượng yêu cầu trả lại tiền, cô ta còn đập tay xuống bàn tuyên bố “Tôi không trả tiền cho dì. Tiền này tôi để lại cho bố mẹ để họ nuôi con cho tôi, còn tôi sẽ đi tự tử”.
Trước sức ép của các nạn nhân, Bùi Thị Phượng đã trả cho bà Quỳnh 110 triệu đồng, trả cho ba nạn nhân còn lại mỗi người 10 triệu đồng.
Trong phiên tòa diễn ra vào ngày 25/11, Bùi Thị Phượng thừa nhận mình không có khả năng xin việc, không có nhiều mối quan hệ như đã “nổ” trước đó. Số tiền sau khi chiếm đoạt của các nạn nhân, Bùi Thị Phượng dùng để tiêu xài cá nhân. Đến khi bị đòi nợ nhiều quá, Phượng mới nghĩ đến việc dùng số tiền còn lại đi buôn bán hòng gỡ gạc, trả nợ cho các bị hại. Làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ, Bùi Thị Phượng trốn ra Hà Nội đến ngày 27/5/2015 thì bị bắt giữ.
Tại phiên tòa, khi vị chủ tọa hỏi về số tiền còn nợ các nạn nhân, Bùi Thị Phượng trả lời không còn khả năng trả nợ nên sẽ không trả cho các bị hại. Chỉ đến khi đối mặt với bản án của pháp luật, Bùi Thị Phượng mới sụt sùi xin lỗi các bị hại và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lụng nuôi con, trả nợ cho mọi người.
Mặc dù Bùi Thị Phượng có tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, khắc phục một phần thiệt hại cho các nạn nhân nhưng xét thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên HĐXX tuyên phạt Phượng 11 năm tù, cao hơn mức án từ 7-8 năm tù mà đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An đề nghị trước đó.
Hoàng Lam