1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đà Nẵng:

Chiếc điện thoại lật tẩy tội ác

Sinh ra trong một gia đình nề nếp, kinh tế khá giả, tốt nghiệp trung cấp nghề điện và có việc làm ổn định, thế nhưng Trần Văn Lưu (SN 1992, ngụ xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) lại bán linh hồn cho quỷ dữ khi nhẫn tâm sát hại người yêu cũ.

Ngày 2/2/2013, trong lúc đi làm đồng, anh Đinh Ngọc Thanh (SN 1968, ngụ xã Hòa Khương, TP.Đà Nẵng) phát hiện một xác người trôi trên sông Yên nên vội nhảy xuống vớt thi thể nạn nhân lên rồi báo cho chính quyền địa phương. Đồng thời cách đó 1 km về phía thượng lưu, trên bờ đập An Trạch, người dân địa phương phát hiện một đôi giày nữ và một chiếc áo khoác màu hồng.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP.Đà Nẵng đã kết hợp với Công an huyện Hòa Vang có mặt tại hiện trường tiến hành khám nghiệm tử thi. Kết quả cho thấy, khuôn mặt nạn nhân đã biến dạng, trên người có hai vết thương nhỏ tròn, do vật nhọn gây ra. Tuy nhiên, nạn nhân chết không phải do hai vết thương này mà chết do bị ngạt nước.

Nạn nhân được xác định là chị Đỗ Thị Phước (SN 1995, ngụ tổ 23, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Người nhà nạn nhân cho biết, 19h ngày 30/1/2013, Phước xin phép mẹ đi uống cà phê với bạn rồi từ đó không về nhà. Khi đi, Phước mặc quần jean màu xanh, áo thun màu xanh đậm, áo khoác màu hồng và điều khiển xe gắn máy Sirius màu bạc đen cổ đồng.

Ban thờ nạn nhân
Ban thờ nạn nhân

Chị N.T.B (SN 1995, bạn thân của nạn nhân) cho biết, trước khi mất tích vài ngày, Phước kể rằng ngày 30/1 sẽ gặp lại người yêu cũ tên là Lưu, quê ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) nhưng đi bộ đội đóng quân ở Bình Định và hôm đó Lưu hứa tặng quà cho Phước. Trước đó, thỉnh thoảng Lưu có đến nhà chở Phước đi chơi trên chiếc xe Nouvo màu đỏ đen, biển kiểm soát 43K1-08.317.

Từ thông tin của gia đình và bạn bè nạn nhân, Công an TP.Đà Nẵng nhanh chóng xác định kẻ tình nghi số một cũng chính là người yêu cũ của nạn nhân. Họ tên đầy đủ của hắn là Trần Văn Lưu (SN 1992, ngụ thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Thế nhưng, Lưu không phải là bộ đội như đã từng nói với Phước và gia đình, bạn bè Phước.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã thu được một bằng chứng khá quan trọng là chiếc điện thoại màu hồng của nạn nhân mà một người bạn của Lưu khai rằng Lưu đã cho mình vào tối 30/1.

Ban đầu, Lưu thừa nhận có quen Phước nhưng đã chia tay được 5 tháng và đêm 30/1, Lưu đi chơi với nhóm bạn chứ không đi với Phước. Tuy nhiên, đến khi cơ quan công an đưa chiếc điện thoại của nạn nhân ra thì Trần Văn Lưu đã phải cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Trong nỗi đau đớn tột cùng, bà Lê Thị Duyên (SN 1962), mẹ của cô gái xấu số kể về buổi tối định mệnh ấy. Vào khoảng 19h ngày 30/1/2013, ăn tối xong, Phước xin phép mẹ đi uống cà phê với bạn. Bà Duyên đồng ý cho con đi nhưng vẫn dặn dò Phước về sớm. Đến 20h, bà gọi điện thoại giục Phước về thì Phước trả lời: “Một tí nữa con sẽ về”.

Vì phải đi làm từ lúc nửa đêm nên bà tranh thủ ngủ sớm. Hơn 21h bà tỉnh giấc, vẫn chưa thấy con về nên bà lại tiếp tục gọi điện. Nhưng kể từ đó, điện thoại của Phước không liên lạc được. Từ bé đến giờ, Phước luôn nghe lời mẹ và chưa khi nào đi chơi quá khuya nên bà biết rằng Phước đã gặp sự chẳng lành.

Sáng hôm sau, gia đình trình báo cơ quan công an về việc mất tích của con gái, đồng thời tổ chức đi khắp các bệnh viện để tìm con vì suy đoán rằng Phước có thể gặp tai nạn giao thông.

Nghe nói ở quận 3 (Đà Nẵng) có một xác chết vô thừa nhận, bà Duyên cũng lặn lội tìm đến nhưng nạn nhân tóc dài nên xác định không phải là Phước vì Phước tóc ngắn. Cho đến khi người nhà báo tin Phước đã chết trôi trên sông Yên thì mọi hy vọng về đứa con còn sống trở về đã tiêu tan...

Kể về Trần Văn Lưu, bà Duyên rất căm phẫn nhưng cũng tỏ vẻ rất bất ngờ trước sự thật tàn nhẫn này. Bà bảo, từ trước đến nay Lưu rất hiền lành, ít nói. Nghe con gái giới thiệu Lưu là bội đội nên bà rất tin tưởng Lưu. Ngay sau khi sát hại Phước, Lưu vẫn bình tĩnh, không có biểu hiện sợ sệt hay tâm lý hoang mang, lo sợ.

Lưu còn đến nhà bà Duyên hỏi: “Đã tìm được Phước chưa cô?”. Ngay thời điểm anh Đinh Ngọc Thanh vớt được thi thể của Phước lên, Lưu vẫn đến xem như những người dân địa phương hiếu kỳ chứ không trốn tránh...

Gia cảnh bà Lê Thị Duyên, mẹ của Phước rất đáng thương. 2 năm trước, trong một lần chở con trai đi dự đám giỗ, chồng bà bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Còn đứa con trai may mắn thoát chết nhưng để lại di chứng nặng là đi đứng siêu vẹo, chậm chạp, trí nhớ kém.

Bà Lê Thị Duyên (bên trái)
Bà Lê Thị Duyên (bên trái)

Mất đi người trụ cột, mọi vất vả lo toan trút hết vào đôi vai của bà. Hàng đêm, bà phải thức dậy, đạp xe giữa trời khuya vắng đến chỗ làm thịt gà thuê trước 0h30. Thấy mẹ vất vả nên Phước vừa nghỉ học giữa lớp 12 với ý định qua Tết sẽ đi làm cùng mẹ.

Để thuận tiện cho Phước đi làm, bà đã vay tiền để mua cho Phước một chiếc xe máy hết 23 triệu đồng. Khi được mẹ mua xe, Phước vui mừng lắm. Phước bảo, Tết này Phước sẽ chở mẹ về quê. Thế nhưng, chưa kịp về quê, chưa kịp đi làm, Phước đã bị người yêu cũ sát hại...

Tìm gặp bà con hàng xóm của gia đình và bạn bè Lưu để tìm hiểu về tên “bộ đội giả” này. Được biết, gia đình Lưu là một gia đình nề nếp, cha mẹ cũng như anh em Lưu chưa bao giờ làm mất lòng ai. Cha Lưu làm nghề thầu xây dựng, còn mẹ Lưu buôn bán nhỏ ở chợ. Chỉ có hai người con trai, kinh tế cũng khá giả nên cha mẹ Lưu rất mực thương yêu con cái. Từ xưa đến nay, Lưu chưa hề cãi lời cha mẹ.

Anh T.T (SN 1979, ngụ K1, xã Hòa Khương) kể rằng, trước đây có thời gian anh xây nhà cho cha mẹ Lưu. Nhiều lúc ba mẹ sai Lưu làm cái này, cái nọ nhưng Lưu vẫn vui vẻ thực hiện. Có hôm, thấy nhóm thợ của anh T làm thịt cá lóc để uống rượu thì Lưu bảo rằng: “Sao các anh giết cá lóc, ác thế...”.

Sau khi biết con mình đã gây ra cái chết cho Đỗ Thị Phước, cha mẹ Lưu đã đến gia đình Phước tạ lỗi. Đồng thời, đã hỗ trợ ban đầu 25 triệu đồng tiền ma chay cho Phước.

Bà Lê Thị Duyên tâm sự, con bà mất đi để lại nỗi đau quá lớn cho bà. Ngoài đứa con nhỏ tật nguyền, chồng đã mất, bà chỉ còn biết trông cậy vào Phước, thế mà bây giờ Phước lại ra đi. Dù rất căm phẫn kẻ gây ra cái chết của con mình, nhưng khi gặp những người đã sinh ra Lưu, bà cũng không một lời nặng nhẹ. Vì bà biết, họ cũng đau đớn không kém gì bà...

Theo Phương Nam
Pháp luật Việt Nam