Chàng trai bị xử bắn tội hiếp dâm giết người, 18 năm sau mới được giải oan
(Dân trí) - Năm 1996, chàng trai 18 tuổi Hô Cách (Trung Quốc) trở thành nghi phạm trong một vụ án hiếp dâm, giết người và bị xử bắn. 9 năm sau, hung thủ thực sự bất ngờ lộ diện.
Chàng trai hiền lành bị xử bắn vì tội ác không ngờ
Hô Cách Cát Lặc Đồ sinh ngày 9/8/1977, là con trai thứ hai trong một gia đình sinh sống ở thành phố Hohhot thuộc Khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc. Trong mắt gia đình và bạn bè, anh là một người hiền lành, thật thà, chính trực.
Tối ngày 9/4/1996, khi vừa hoàn thành công việc làm thêm ở nhà máy thuốc lá, Hô Cách rủ bạn là Diêm Phong cùng đi ăn và có uống chút rượu. Vì nhà máy cấm uống rượu nên Hô Cách rẽ vào tiệm tạp hóa gần đó mua kẹo ngậm, còn Diêm Phong rảo bước đi trước.
Ít phút sau khi trở về nhà máy, Hô Cách hớt hải nói với bạn rằng vừa nghe thấy tiếng kêu cứu phát ra từ nhà vệ sinh công cộng ở trên đường về. Hai người họ quyết định quay trở lại và phát hiện thi thể lõa thể của một cô gái. Ngay sau đó, họ quyết định báo công an.
Không ngờ, lần báo án này lại khiến cho Hô Cách và bạn bị liệt vào diện tình nghi. Diêm Phong nhớ lại: "Khi bị thẩm vấn đến khoảng 12h đêm, tôi nghe thấy bên phòng Hô Cách có tiếng va đập bàn ghế và tiếng kêu đau đớn "á…á…" của Hô Cách". Sáng sớm hôm sau, Diêm Phong được thả ra nhưng Hô Cách thì không.
2 ngày sau, gia đình Hô Cách nhận được thông báo anh đã cúi đầu, ký tên nhận tội.
9 ngày tiếp đó, một bài báo có tựa đề "Phá án cô gái bị giết vào ngày 9/4", trong đó miêu tả cách gây án và chỉ ra sự "giảo hoạt" của Hô Cách khi không hợp tác cùng công an, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Lần lượt những ngày sau đó tại các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, đơn kháng cáo của Hô Cách đều bị bác bỏ.
Ngày 10/6, 62 ngày sau khi xảy ra vụ án, chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi Hô Cách bị đưa ra pháp trường xử bắn.
Chính nghĩa đến muộn
Tội ác và cái chết của con trai khiến cha mẹ Hô Cách vô cùng đau đớn. Em trai anh phải chịu sự kỳ thị của bạn bè và thầy cô nên nửa năm sau đã bỏ học, còn anh trai phải đi làm thuê khắp nơi. Họ hàng, người thân, hàng xóm cũng không còn qua lại thăm hỏi gia đình tử tù. Theo như lời của mẹ Hô Cách nói thì "đây không chỉ lấy đi một mạng người mà là hủy hoại cả một gia đình".
Bất ngờ ngày 23/10/2005, hung thủ thật sự của vụ án là Triệu Chí Hồng lộ diện. Hắn khai đã thực hiện 21 vụ cướp bóc, hiếp dâm, giết người từ năm 1996 đến năm 2005, trong đó có vụ án xảy ra tại nhà vệ sinh 9 năm về trước.
Tại hiện trường, dù nơi này sớm đã bị phá dỡ, nhưng Triệu Chí Hồng vẫn có thể chỉ ra vị trí và tường thuật lại quá trình gây án một cách hoàn chỉnh, trùng khớp với các chứng cứ thu thập được.
Lúc này, cha mẹ Hô Cách đã nhìn thấy hi vọng có thể minh oan cho con. Mẹ của anh đã liên lạc với Thang Kế - một nhà báo của Tân Hoa Xã để tìm kiếm sự giúp đỡ. Chính nhờ vào bài viết đòi lại sự công bằng cho Hô Cách mà vụ án năm xưa đã được lật lại.
Tuy nhiên bằng một cách nào đó, nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ, Hô Cách dù đã chết vẫn chưa được minh oan.
Nguyên nhân "chìm xuồng" của vụ án oan
Phùng Chí Minh - Cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hohhot - chính là đội trưởng chuyên án năm xưa. Để nhanh chóng phá án lập công, chỉ dựa vào chút chứng cớ ít ỏi mà ông ta đã quả quyết Hô Cách là hung thủ và tiến hành ép cung, "lừa" Hô Cách ký vào biên bản nhận tội bằng cách nói rằng "người bị hại vẫn chưa chết, chỉ cần nhận tội là có thể về nhà".
Nhờ vào việc phá được vụ án này mà danh tiếng của Phùng Chí Minh ngày càng lên cao. Hắn còn được tặng huân chương hạng hai và thăng chức nhanh như diều gặp gió.
Thật không ngờ, 9 năm sau, hung thủ thực sự lại xuất hiện. Các cơ quan ban ngành liên quan không thể không lật lại vụ án, đồng thời điều tra toàn diện đối với Phùng Chí Minh.
Ngày 15/12/2014, tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng, tuyên bố Hô Cách vô tội, Triệu Chí Hồng nhận án tử hình. 27 người thi hành án có liên quan đều bị kỷ luật theo từng mức khác nhau. Riêng Phùng Chí Minh vì tham ô 40 triệu tệ nên bị phạt tù 18 năm.
Năm 2015, cha mẹ của Hô Cách nhận được số tiền đền bù là hơn 2 triệu nhân dân tệ. Số tiền này đâu thể nào bù đắp được những đớn đau, mất mát quá lớn của gia đình.
Theo 163, Sina