1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cầu Ghềnh ở Đồng Nai trước khi bị đâm sập trị giá 14 tỉ đồng

(Dân trí) - Ngày 20/6, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt các bị cáo Phan Thế Thượng (sinh năm 1955, quê tỉnh Sóc Trăng) 14 năm tù và Trần Văn Giang (sinh năm 1981, quê tỉnh Bạc Liêu, lái tàu đâm sập cầu Ghềnh) 7 năm tù.

Hai bị cáo bị truy tố về các tội: điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Cầu Ghềnh ở Đồng Nai trước khi bị đâm sập trị giá 14 tỉ đồng - 1
Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo trạng, Thượng giao cho Giang lái tàu kéo sà lan chở cát từ Trà Vinh lên Đồng Nai. Trưa 20/3/2016, tàu đi trên sông Đồng Nai thì bị tắt máy, sà lan trôi tự do sau đó đâm sập mố cầu Ghềnh khiến hai nhịp cầu sập xuống sông. Tai nạn khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt hơn 3 tháng, thiệt hại về kinh tế được đánh giá rất nghiêm trọng. Thượng và Giang sau đó bị bắt giữ.

Tháng 3/2018, hai tài công được tại ngoại điều tra. Bốn tháng sau, Công an Biên Hòa ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can đối với Thượng và Giang.

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai, được Pháp thiết kế và xây dựng năm 1901, hoàn thành sau 4 năm. Cầu có tuyến đường sắt này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mà từ lâu đã trở thành biểu tượng của TP Biên Hòa. Ba tháng sau khi cầu bị sà lan đâm sập, cầu mới 300 tỉ đồng được xây trên vị trí cũ với 3 nhịp, cùng một phần đường cho xe máy và người đi bộ.

Xuân Duy