1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cảnh sát khu vực ở phố Tây

Nhiều “Tây đen” tự dưng vô cớ la lối, quậy phá, thậm chí cởi hết quần áo rồi đi lông nhông ra phố. CSKV phải thuyết phục bằng nhiều cách thì họ mới chịu nghe theo. Đó là chưa kể nhiều du khách lang thang bị bệnh nằm lăn lóc ở vỉa hè...

Khi tôi hỏi sự khác nhau cơ bản giữa CSKV ở khu phố “Tây ba lô” và ở khu vực bình thường thì Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa, Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão nói ngay, đó phải biết ngoại ngữ, có kiến thức cơ bản về phong tục tập quán, văn hóa một số nước có lượng du khách đông và đặc biệt là tác phong phải hết sức chuẩn mực, niềm nở khi tiếp xúc, nhiệt tình khi hướng dẫn.

Phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) có diện tích chưa đầy nửa kilômét vuông, nhưng hằng ngày nơi đây có đến khoảng 2.500 khách du lịch nước ngoài đến làm việc, tham quan du lịch, lưu trú và ăn uống tập trung ở các tuyến đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình và Đỗ Quang Đẩu. Hầu hết du khách đến đây thuộc dạng bình dân nên mọi người quen gọi là phố “Tây ba lô”.

Khách du lịch nước ngoài đến phố “Tây ba lô” từ hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ là điều mà ai cũng biết; sự nhộn nhịp, phức tạp ở khu phố này thì ai cũng tường, nhưng công việc của người CSKV ở phố “Tây ba lô” hay khu vực có đông người nước ngoài thì có lẽ không phải ai cũng biết…

Đau đầu với “Tây”… quậy!

Khi tôi hỏi sự khác nhau cơ bản giữa CSKV ở khu phố “Tây ba lô” và ở khu vực bình thường thì Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa, Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão nói ngay, đó phải biết ngoại ngữ, có kiến thức cơ bản về phong tục tập quán, văn hóa một số nước có lượng du khách đông và đặc biệt là tác phong phải hết sức chuẩn mực, niềm nở khi tiếp xúc, nhiệt tình khi hướng dẫn.

Vì không nơi đâu ở Việt Nam, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam lại được du khách khắp năm châu “để ý” nhiều đến vậy. Mặt khác, khi du khách người nước ngoài bị mất cắp, bị cướp giật, bị xâm phạm thân thể… thì lãnh sự quán nước đó rất quan tâm và theo dõi sát sao tiến trình điều tra, truy tìm và xử lý đối tượng phạm tội.

Vì vậy mà công tác quản lý để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản người nước ngoài lưu trú trên địa bàn là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà người CSKV phải gánh phần trọng trách.

Để làm tròn nhiệm vụ, Đại úy Lê Thanh Tâm, CSKV khu phố 2 cho biết, vào mỗi sáng, sau khi giao ban xong ở đơn vị là anh phải xuống địa bàn để nắm bắt tình hình và xử lý các vấn đề còn tồn đọng vào tối hôm trước. Nếu phát hiện có những đối tượng nằm trong diện nghi vấn đang lưu trú trên địa bàn thì lập tức phải tiến hành xác minh lý lịch và theo dõi di biến động của kẻ tình nghi. Trong số này, các du khách đến từ một số quốc gia châu Phi hay sống lang thang ở các công viên, hè phố luôn nằm trong tầm kiểm soát của người CSKV.

Từ năm 2010 trở về trước, khu phố “Tây ba lô” xuất hiện khá nhiều “Tây đen” thuộc thành phần bất hảo đến làm bồi bàn, phụ bếp, buôn bán quần áo cũ, hàng rong… thậm chí làm mại dâm nam đứng đường ở khu vực Công viên 23/9. Nhưng sau khi Công an phường Phạm Ngũ Lão kết hợp cùng các cơ quan chức năng khác tiến hành trục xuất 76 người về nước do có hành vi gây mất trật tự nơi công cộng, không còn thời hạn visa, nhập cảnh sai mục đích… thì tình hình mới thuyên giảm.

Mặc dù vậy nhưng chuyện du khách nước ngoài “quậy” vẫn luôn là vấn đề đau đầu của các CSKV. Đại úy Lê Phương Đông, CSKV khu phố 2 kể: Có khá nhiều du khách đến từ các nước châu Phi vào các nhà hàng vô tư ăn uống rồi… bỏ đi. Quản lý nhà hàng lập tức giữ khách lại và gọi điện cho CSKV nhờ can thiệp.

Khi CSKV đến nơi thì vị khách nọ bảo không có đồng nào trong túi, cũng chẳng có giấy tờ tùy thân và xin được “bỏ qua”. CSKV hỏi vị khách người nước nào để có hướng xử lý thì nhận cái lắc đầu, thế là… đành phải chịu!

Một chiêu khác khá phổ biến ở đây cũng do du khách người châu Phi “đạo diễn” đó là một người vào thuê một phòng trọ bình dân (khoảng 10 USD/ngày) để sử dụng cho khoảng 20 người tắm giặt, nghỉ ngơi. Đại úy Đông kể, sau khi thuê phòng xong, chừng 20 phút một lần, bạn của người thuê xin lên phòng chơi rồi tắm rửa, giặt giũ và thay phiên nhau liên tục trong ngày. Đã vậy, sau khi thuê cả 1, 2 tháng trời nhưng khi trả phòng thì chẳng nói năng gì đến chuyện tiền bạc.

Nhận được phản ánh, CSKV đến nơi và liên hệ với Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh (PA72) để nhờ sự giải quyết nhưng cũng chẳng thể làm gì được kẻ ăn quỵt này. Sau khi bị nhiều cú lừa tương tự, hiện tại các chủ nhà trọ khi thấy khách có biểu hiện nghi ngờ thì không cho tiếp bạn trong phòng trọ nữa và buộc phải thanh toán tiền mỗi ngày thì đã trị được chiêu này.

Tuy nhiên, hiện nay còn một vấn nạn vẫn đang tồn tại là nhiều “Tây đen” tự dưng vô cớ la lối, quậy phá, thậm chí cởi hết quần áo rồi đi lông nhông ra phố. CSKV phải thuyết phục bằng nhiều cách thì họ mới chịu nghe theo. Đó là chưa kể nhiều du khách lang thang bị bệnh nằm lăn lóc ở vỉa hè thì CSKV cũng phải đưa họ đến bệnh viện rồi móc tiền túi ra lo, vì họ chẳng có mảnh giấy lận lưng mà cũng chẳng chịu khai mình ở nước nào để có thể nhờ lãnh sự quán nước đó giúp đỡ!

Một góc khu phố Tây.
Một góc khu phố Tây.

Mặc dù những việc đột xuất trong ngày mà CSKV ở “khu phố Tây” phải giải quyết là không ít, nhưng nhiệm vụ thường xuyên mỗi ngày mới thật sự là một áp lực. Theo tính toán của BCH Công an phường Phạm Ngũ Lão, bình quân mỗi ngày nơi đây có từ 300-500 trường hợp người nước ngoài đến đăng ký lưu trú. Thời gian đăng ký là từ 19-23h theo phương thức chủ cơ sở lưu trú lập danh sách người lưu trú rồi báo về cho CSKV trực ở ban điều hành khu phố.

Nếu như trước đây việc đăng ký này chỉ trên giấy tờ, thì nay CSKV còn kiểm tra thực tế xem có đúng người đăng ký hay không. Vì thời gian gần đây, một số cơ sở lữ hành câu kết với chủ phòng trọ, khách sạn đăng ký cho người nước ngoài lưu trú, nhưng thực tế họ không có mặt ở đây.

Sự gian dối này mục đích để làm gì thì chưa rõ, nhưng theo nhận định của Công an phường Phạm Ngũ Lão thì rất có thể đối tượng này làm ăn mờ ám ở một nơi nào đó rồi đăng ký lưu trú ở đây để tạo chứng cứ ngoại phạm. Chính vì sự kiểm tra kỹ lưỡng đó mà trong thời gian vừa qua Công an phường Phạm Ngũ Lão đã bắt giữ được 9 đối tượng, xử phạt hành chính 19 người nước ngoài có hành vi trộm cắp, cướp giật, tàng trữ trái phép ma túy, cố ý gây thương tích… Đồng thời phát hiện và xử phạt 149 trường hợp cơ sở lưu trú, hộ dân vi phạm pháp luật về cư trú.

Hết thời gian trực ở phu phố để tiếp nhận lưu trú, CSKV ở đây bắt đầu hành trình tuần tra khép kín địa bàn cùng với các lực lượng khác như trật đô thị, bảo vệ dân phố, dân quân… Bởi điểm khác biệt ở khu phố này là chỉ nhộn nhịp từ 23h đến 4h sáng hôm sau.

Đây cũng là thời điểm mà các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, bar… hoạt động hết công suất để phục vụ cho nhu cầu “thượng đế”. Đây cũng là thời điểm mà các đối tượng tội phạm, tệ nạn từ nơi khác lảng vảng tới để hoạt động. Vì vậy mà lực lượng phối hợp nói trên phải có mặt trên khắp các tuyến đường để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản cho người nước ngoài một cách tốt nhất.

Một mô hình hay về quản lý người nước ngoài

Cùng với phường Phạm Ngũ Lão, phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi có số lượng người nước ngoài chiếm tỷ lệ cao. Có khu phố người nước ngoài chiếm đến 80% nên đòi hỏi người CSKV quản lý địa bàn phải giỏi ngoại ngữ, rành máy tính và có phương pháp quản lý phù hợp thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nổi lên trong số này là Đại úy Nguyễn Văn Hùng, CSKV phường Tân Phong, quận 7. Đại úy Hùng được phân công phụ trách địa bàn ô 7 và ô 8, khu phố 3 gồm có khu dân cư Sky Garden 1 và 2 với 1.328 căn hộ và 90 căn shop, trong đó người nước ngoài chiếm đến 80% với 40 quốc tịch khác nhau.

Để đáp ứng nhu cầu công việc, Đại úy Hùng nghiên cứu xây dựng chương trình quản lý ứng dụng “quản lý cư trú” thao tác trên phần mềm ACESS để cập nhật tất cả người nước ngoài cư trú trên địa bàn vào máy tính, nhằm mục đích thống kê, tra cứu nhanh; tổ chức, sắp xếp hồ sơ quản lý người nước ngoài được khai báo tạm trú tại Công an phường chuyển về theo từng block chung cư, từng căn hộ, rồi sắp xếp vào kệ hồ sơ sao cho dễ dàng cập nhật, điều chỉnh…

Bên cạnh đó, Đại úy Hùng còn tổ chức tuyên truyền (bảng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn, Trung Quốc) các quy định về quản lý cư trú thông qua các công ty dịch vụ môi giới cho thuê nhà và những nơi công cộng. Đồng thời niêm yết số điện thoại của Công an phường, CSKV và địa chỉ email của CSKV để cư dân chủ động thông báo việc lưu trú và mọi việc cần tư vấn, giải quyết khi có nhu cầu… Do người nước ngoài ở đây phần lớn ở nhà vào ban đêm nên Đại úy Hùng thực hiện công tác thăm hỏi, kiểm tra cư trú trong khoảng thời gian từ 18-20h và làm cả ngày thứ 7, chủ nhật.

Sau khi kiểm tra, nếu thấy việc khai báo tạm trú còn thiếu, chưa phù hợp thì Đại úy Hùng giúp đỡ cư dân bổ sung một cách đầy đủ và đúng quy định. Chính vì cách quản lý chặt chẽ đó mà tình hình an ninh trật tự ở khu vực này rất đảm bảo. Nếu có người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam cũng được Đại úy Hùng kịp thời phát hiện, xử lý. Đây là một mô hình quản lý người nước ngoài rất cần được nhân rộng.

Cảnh sát khu vực (CSKV) là lực lượng trực tiếp công tác tại địa bàn dân cư, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự ở khu vực và là cầu nối quan trọng giữa Công an, chính quyền với nhân dân. Thế nên ở địa bàn nào mà có CSKV giỏi nghiệp vụ, nhiệt tình trong công tác thì ở đó người dân sẽ có cuộc sống bình yên và ngược lại.

Trên thực tế ở TP Hồ Chí Minh có khá nhiều CSKV giỏi, tận tụy, sáng tạo được dân tin yêu nhưng cũng có không ít địa bàn đầy rẫy tệ nạn xã hội, tội phạm do người CSKV không làm tròn trách nhiệm của mình…

Loạt bài viết này chúng tôi ghi nhận công việc vất vả, đặc thù ở mỗi địa bàn để bạn đọc phần nào hình dung được chân dung của người CSKV vốn được xem là người chiến sĩ Công an gần dân nhất…

 

Theo Mã Thanh Phong
Công an nhân dân