Căn cứ nào giúp cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử?
(Dân trí) - Theo luật sư, bản án của TAND TP Hà Nội đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng để các bị cáo có cơ hội sửa sai.
Trong bản án vụ "chuyến bay giải cứu" của TAND TP Hà Nội, HĐXX đã tuyên 4 án tù chung thân, 10 án tù treo và 40 hình phạt tù có thời hạn.
Trong nhóm bị cáo Nhận hối lộ, mức án cao nhất tù chung thân, thấp nhất 30 tháng tù. Ở nhóm bị cáo Đưa hối lộ, người lĩnh hình phạt cao nhất 11 năm tù, thấp nhất 15 tháng án treo.
Phán quyết của tòa án khiến nhiều người bất ngờ khi có sự khác biệt lớn với mức án đề nghị của Viện kiểm sát, như: Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị đề nghị tử hình nhưng bị tuyên chung thân; 3 bị cáo khác bị đề nghị mức án tù có thời hạn nhưng bị tuyên tù chung thân.
Nhiều bị cáo trong nhóm Đưa hối lộ lĩnh các mức án tính bằng tháng tù, dù trước đó Viện kiểm sát đề nghị đề nghị các mức án nhiều năm tù.
Người trong cuộc nói gì?
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) đánh giá bản án của TAND TP Hà Nội có tính nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng.
Đặc biệt với trường hợp của Phạm Trung Kiên, luật sư cho biết, một trong những căn cứ để HĐXX không tuyên mức án cao nhất dành cho Kiên như Viện kiểm sát đề nghị, là bị cáo đã khắc phục gần hết số tiền đã nhận hối lộ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, bản án của TAND TP Hà Nội cũng rất nghiêm khắc, có tính răn đe với một số bị cáo như Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự)...
"Mức án này khá bất ngờ đối với nhóm luật sư bào chữa, với dư luận và nhiều bị cáo khác", luật sư Cường nói.
Tương tự luật sư Cường, Chủ tịch Công ty luật TAT Law Firm - luật sư Trương Anh Tú cho rằng bản án của TAND TP Hà Nội có 10 án tù treo đã thể thiện sự phân hóa rõ nét, phù hợp với tính chất và mức độ hành vi của từng bị cáo.
"Tôi đánh giá các bản án này đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng để các bị cáo có cơ hội sửa sai", luật sư Trương Anh Tú nói, đồng thời cho hay đây là một bản án nhân văn.
Đánh giá về nhóm bị cáo bị tuyên hình phạt cao hơn mức Viện kiểm sát đề nghị, ông Tú nhấn mạnh, chế tài hình sự ở Việt Nam rất nghiêm khắc nên những bản án trên là đủ sức răn đe.
Căn cứ giúp cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử
Là người theo dõi toàn bộ diễn biến vụ án, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) nhận định mức "vênh" trong bản án của TAND TP Hà Nội với đề nghị án của VKSND TP là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của từng bị cáo.
Theo luật sư, trong vụ án hình sự, tòa án có quyền quyết định dựa trên đánh giá diễn biến của phiên tòa, căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng của bị cáo, luật sư, với đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố tại tòa.
Bên cạnh đó, tòa án có nghĩa vụ đảm bảo nguyên tắc "xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật", theo quy định tại Điều 23 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021.
Khi lượng hình, HĐXX cũng cần xem xét về nguyên tắc nhân đạo: "Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra", theo Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Việc điều chỉnh khung hình phạt trong bản án của HĐXX thể hiện tính chất nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, cũng như đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, căn cứ vào sự phân hóa vai trò, mức độ hành vi của các bị cáo trong vụ án", luật sư Tiền nhận định.
Phân tích về trường hợp bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), luật sư cho biết, bị cáo này trong quá trình điều tra xét xử đã ăn năn hối lỗi, thành khẩn khai báo. Đồng thời, trong quá trình xét xử, nghị án, gia đình Kiên cũng chủ động nộp khắc phục gần như toàn bộ hậu quả.
Vì vậy, theo luật sư, HĐXX đã căn cứ vào khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP để tuyên mức án không phải tử hình dành cho bị cáo Kiên.
Đối với 3 trường hợp Viện kiểm sát đề nghị hình phạt tù có thời hạn nhưng HĐXX tuyên chung thân (Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng Phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng), luật sư Tiền cho rằng quyết định của tòa sơ thẩm là phù hợp, đủ sức răn đe.
"Hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra vào thời điểm cả nước đang đối chọi với dịch bệnh Covid-19 hoành hành, gây nhức nhối trong xã hội, mất niềm tin trong nhân dân. Các bị cáo lợi dụng chính sách nhân đạo và dịch bệnh nhằm trục lợi cho bản thân, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các cơ quan, bộ, ngành nhà nước", luật sư Tiền đánh giá về 2 bị cáo trên.
Về bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên), Trưởng VPLS Đồng Đội nhận định, Hưng không thành khẩn khai báo, không ăn năn, đến nay không có hành vi khắc phục hậu quả dù có bằng chứng khẳng định bị cáo lừa đảo. Do đó, Hưng cần có mức án cao hơn mức án Viện kiểm sát đề nghị để bảo đảm tính răn đe.