1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Kon Tum:

Cán bộ Phòng Tài nguyên- Môi trường làm giả hàng trăm sổ đỏ

(Dân trí)- Lợi dụng là cán bộ Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Sa Thầy, Đỗ Hồng Cường (28 tuổi, trú thị trấn Sa Thầy) đã làm giả hàng trăm sổ đỏ để trục lợi cá nhân.

Học Trung cấp địa chính nhưng Cường không được cấp bằng, tuy nhiên, ngày 15/1/2008, Cường vẫn được lãnh đạo Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Sa Thầy nhận vào làm việc tại Phòng.
Nhiệm vụ của Cường là lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn một số xã, thị trấn của huyện, phúc tra hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ, do Văn phòng đăng ký QSDĐ chuyển đến, theo dõi tổng hợp vào sổ địa chính…

Từ tháng 6/2010, để lấy tiền tiêu xài, Cường đã tẩy xóa thông tin bìa đỏ của một hộ dân mà Cường có ý đồ xáo trộn trong hồ sơ gốc để cấp 2 GCNQSDĐ cho 1 hộ dân. Khi “thử nghiệm” thành công, Cường thấy việc giả chữ ký, cấp bìa đỏ cho dân để trục lợi quá dễ nên y đã tiến hành mở rộng công việc của mình.

Để tìm ra người có nhu cầu làm sổ đỏ, Cường đã cấu kết với 3 đối tượng ở địa bàn huyện Sa Thầy là Phạm Văn Thanh (trú thôn 3, thị trấn Sa Thầy), Nguyễn Quang Phấn (thôn 2, xã Sa Sơn) và Nguyễn Tiến Dự (thôn Đông Hưng, xã Ia Ly).
Nhiệm vụ của 3 đối tượng này là tìm người có nhu cầu cấp sổ đỏ giới thiệu cho Cường đến đo vẽ sơ đồ, thỏa thuận giá cả. Thông thường, đất thổ cư được các đối tượng lấy 10 triệu đồng/sổ, còn đất nông nghiệp là 4 triệu đồng/ha.

Cường tại cơ quan Công an
Cường tại cơ quan Công an

Sau khi tìm được người có nhu cầu, để làm được sổ đỏ, Cường đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo Phòng, Cường đã biển thủ phôi thật là GCNQSDĐ rồi ghi thông tin, vẽ sơ đồ đất của người dân có nhu cầu, ký giả chữ ký của các Phó Chủ tịch UBND huyện là Nguyễn Văn Lộc, A Kang, Nguyễn Ngọc Sâm, hoặc photo chữ ký của lãnh đạo vào, cuối cùng là tìm sơ hở của văn thư UBND huyện đóng dấu vào phôi.

Bên cạnh việc lấy phôi GCNQSDĐ thật cấp cho dân, Cường còn photo màu làm phôi giả để cấp bìa đỏ.

Tại cơ quan Công an, Cường đã thừa nhận, có trường hợp Cường đã lấy đến 60 triệu đồng/bìa đỏ đất thổ cư.

Chữ kí của Phó Chủ tịch huyện do Cường giả mạo
Chữ kí của Phó Chủ tịch huyện do Cường giả mạo

Công an huyện Sa Thầy cho biết, qua điều tra lấy lời khai của hơn 50 hộ dân, tổng diện tích đất do nhóm của Cường làm bìa đỏ bước đầu xác định là hơn 130ha, tổng số tiền nhóm này thu được do việc làm bìa đỏ là hơn 750 triệu đồng. Tuy nhiên, Cường chỉ thừa nhận có nhận 330 triệu đồng.

Tiến hành kiểm tra các GCNQSDĐ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy, Cơ quan điều tra phát hiện có 250 bìa đỏ không có hồ sơ gốc/1971 hồ sơ không có giấy tờ hợp lệ.

Ngoài ra, qua xác minh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, Công an huyện còn phát hiện có 27 bìa đỏ không có hồ sơ gốc đã thế chấp vay gần 2,5 tỷ đồng. Trong đó, mốc vay từ 50 triệu đồng trở lên có xác nhận của Văn phòng đăng ký QSD đất là 18 bìa đỏ với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

Hàng loạt sổ đỏ do Cường trục lợi làm
Hàng loạt sổ đỏ do Cường trục lợi làm

Ông Ngô Xuân Dụng (trú thôn 5, thị trấn Sa Thầy) cho biết, ngày 26/4/2013, ông mang sổ đỏ của mình do Đỗ Hồng Cường làm tháng 12/2010, đến Công an huyện nhờ xác minh thì được biết bìa là phôi thật, con dấu thật nhưng chữ ký của Phó Chủ tịch là giả.

“Đất này là do tôi mua của ông A Lập làng Trang, nhưng do chưa có bìa đỏ nên sau khi được giới thiệu gặp Cường để làm, tôi đã đưa cho Cường 11 triệu đồng để làm”, ông Dụng kể.

Không chỉ làm giả sổ đỏ cho người dân, mà ngay cả đất trong vườn quốc gia Chư Mom Ray Cường vẫn “hóa phép” làm bìa đỏ. Cụ thể, ngày 6/2/2013, Cường đã giả chữ ký của Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Nguyễn Ngọc Sâm ký cấp bìa đỏ 15.089m2 đất cho ông A Mễ (trú thôn 3, thị trấn Sa Thầy). Ngày 5/3, ông Mễ cầm bìa đỏ này đến ngân hàng NN&PTNT huyện vay 30 triệu đồng.

Trước hành vi trên của Cường, cơ quan Công an huyện Sa Thầy đang củng cố hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đỗ Hồng Cường về hành vi “giả mạo giấy tờ”.

Thiên Thư