1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng

Cảm động với lá thư xin lỗi của con dâu trong tù

Nhận được thư xin lỗi của con dâu, người mẹ hết giận rồi thức trắng khóc nhiều đêm. Sau một thời gian dài suy nghĩ, bà đã viết thư hồi âm rằng, mẹ không thể không tha thứ, dù con có dại dột đến bao nhiêu.

Sau những đêm dài suy nghĩ, bà H đã tha thứ cho những lỗi lầm mà con dâu gây ra cho mình - Ảnh: D.T
Sau những đêm dài suy nghĩ, bà H đã tha thứ cho những lỗi lầm mà con dâu gây ra cho mình - Ảnh: D.T

Con ngàn lần xin lỗi mẹ

Chồng mất sớm, bà H. (66 tuổi, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM) chỉ có một đứa con trai duy nhất nhưng cậu ấm này lại ăn chơi, hút chích, vào tù ra khám. Bảy tháng sau khi con trai bà bị bắt vì liên quan đến ma túy, người con dâu tên H.T.T.A (SN 1984) cũng theo người tình đi buôn ma túy, để lại con gái mới 4 tháng tuổi cho bà nuôi.

Con được 9 tháng, A. quay về xin lỗi mẹ chồng, xin được đoàn tụ gia đình và chăm sóc con gái. Giận con dâu nhiều lắm nhưng bà H. lại nghĩ A. làm vậy cũng là bước đường cùng khi mà chồng đi tù, con còn nhỏ. “Nó làm vậy cũng là do con trai tôi. Nó có vợ con mà không chăm sóc được, lại tù tội hết lần này đến lần khác. Tôi cũng là mẹ, là vợ nên rất hiểu nó. Nhìn nó chăm sóc, cưng nựng con gái, tôi vui lắm. Tôi đã tự nhủ mình phải tha thứ cho nó để cháu có mẹ, gia đình được đoàn tụ và tạo cơ hội cho nó sửa sai, làm lại từ đầu’’.

Thế mà, A. về nhà chưa đầy tháng thì công an đến nhà đọc lệnh bắt vì phạm tội mua bán và hút chích ma túy trước đó. Đã thế, chị ta còn bí mật bán con cho người khác. Phải tìm mọi cách bà H. mới ngăn được việc làm của con dâu, đưa cháu nội về nuôi. “Tôi giận nó vô cùng. Nhìn nó ngồi trên xe bịt bùng rồi nhìn cháu nội khóc ngất mà tôi suy sụp và căm giận. Con cái sinh ra, yêu thương không hết sao nó lại nỡ bán cho người ta?!. Sao nó lại có thể phủ nhận lòng tin của tôi như vậy. Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ cho nó. Càng nghĩ, tôi càng giận’’, bà H. nói.

Từ trong trại giam Thủ Đức (xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), A viết thư gửi về: “Kính gửi mẹ yêu!. Hôm nay, trại giam phát động phong trào viết thư xin lỗi người thân và những người bị hại con mới dám nói hết suy nghĩ của mình. Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ, ngàn lần con xin lỗi mẹ. Chắc mẹ buồn và đau khổ lắm phải không mẹ. Hôm nay, con rất vui mừng vì có dịp viết thư xin lỗi mẹ. Con chỉ mong sao, lá thư này sẽ về đến nhà mình và đến tay mẹ. Con sẽ nhờ đến giấy bút để chuyển đến những lời con muốn nói với mẹ. Những điều mà khi đứng trước mẹ, con không bao giờ nói được.

Mẹ ơi! Mẹ không những là một người mẹ chồng tốt, mà còn là một người mẹ thứ hai của con. Mẹ là một người mẹ chồng, con vô cùng kính trọng. Mẹ có một tấm lòng rất bao dung, cao cả. Con biết, con có nói gì đi nữa thì con cũng đã sai hoàn toàn rồi mẹ ạ. Vì con không nghe lời mẹ, chỉ biết làm theo ý mình và chạy theo đồng tiền để giờ phải trả giá rất đắt. Thời gian qua, xa mẹ, xa gia đình và xa bé Mun (con gái của A.), con đã hối hận rất nhiều.

Con là mẹ mà không có trách nhiệm với con. Con là mẹ mà sinh con ra lại để cho mẹ nuôi dưỡng. Con là mẹ mà bỏ con mình khi đang tuổi chập chững đi, bọ bẹ kêu tiếng mẹ.. mẹ. Con là mẹ mà không ở nhà để ôm ấp, dỗ dành con thơ trong từng miếng ăn, giấc ngủ. Càng nghĩ, con càng thấy mình có lỗi với mẹ rất nhiều. Nghĩ về mẹ và bé Mun, ruột con như rối bời, tim con như ai đó dùng dao cắt. Không được hằng ngày nhìn bé Mun lớn lên, con buồn lắm mẹ ạ.

Mẹ ơi! Giờ mẹ tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu rồi, ra đường mẹ hãy đi đứng cẩn thận mẹ nhé. Mẹ đã hy sinh cho gia đình mình rất nhiều. Con thì ngược lại, lúc nào con cũng làm mẹ buồn. Mẹ yêu ơi! Hãy tha lỗi cho con, đừng buồn và giận con mẹ nhé. Con rất buồn bản thân mình. Con còn trẻ mà để mẹ già lo toan mọi thứ. Con biết, con sai và hối hận thì đã muộn. Thời gian xa mẹ, xa gia đình, con thương mẹ nhiều lắm. Đêm đêm con chỉ biết cầu nguyện cho mẹ và bé Mun được bình an, khỏe mạnh. Nhất định con sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm về phụng dưỡng mẹ, chăm sóc bé Mun’’.

Lòng người mẹ nặng trĩu

Lá thư đó, được A viết năm 2014. Và cứ mỗi khi cầm lá thư trên tay là bao nhiêu ký ức cứ ùa về, làm bà H. càng thêm tức giận. “Tôi sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho những việc làm của nó. Nó là mẹ mà quá nhẫn tâm. Nó đối xử với tôi thế nào cũng được, nhưng con của nó còn bé, có biết gì đâu. Lúc mang con bé đi bán, nó có nghĩ đến hậu quả gì sẽ xảy ra không. Nó có nghĩ rằng, nó sẽ phải hối hận rồi viết thư xin lỗi tôi hôm nay không’’. Cứ mang lá thư ra đọc là mỗi lần nước mắt bà H. cứ chảy dài trên má, lòng bà nặng trĩu.

Bà thương cho bé Mun còn quá nhỏ mà phải xa ba mẹ, không được mẹ ôm ấp, vỗ về, đút cho từng miếng ăn, lo cho từng giấc ngủ. “Lúc nào nó cũng nhắc đến mẹ. Tôi mua cho cái quần, cái áo hay đôi dép nó cũng bảo mẹ mua. Ai hỏi về mẹ, nó cũng bảo là mẹ đi làm xa. Mỗi chiều về, mấy đứa trẻ trong xóm có ba mẹ đi làm về, chạy ra đón, nó cũng đi theo. Không thấy mẹ đâu, mặt nó buồn thiu. Nó cứ hỏi? mẹ con đâu. Lúc đó, tôi chỉ trả lời: Mẹ con đi làm xa, mấy năm nữa mới về; con ngoan, mẹ sẽ gửi quà về cho. Thế là nó cứ mong. Lâu lâu tôi phải mua quà, bảo là mẹ mua cho. Nhận quà, nó vui lắm. Nó cứ khen, sao mà mẹ mua quà đẹp, đoán được ý thích của nó’’. Có mấy bộ quần áo của A. treo trong nhà, bé Mun cứ bảo đó là đồ của mẹ và không cho ai động vào.

Nghĩ cho bé Mun, bà chỉ muốn mang lá thư ra đọc để tìm trong đó một tia hy vọng, một lòng vị tha. Nhưng đọc đến tên A. bà lại chững lại. “Tôi không thể tin nó. Nó đã bán con một lần thì sẽ bán lần nữa. Mà chưa chắc nội dung lá thư là của nó. Nếu do nó viết thì cũng là do tác động từ bên ngoài, hay chỉ là những lời nói không phải xuất phát từ tâm’’, bà H. trải lòng.

Tôi hỏi: “Nếu không tha thứ, có làm cô sống vui hơn không’’. Bà nghẹn ngào: “Không. Lúc nào tôi cũng nghĩ về những việc làm mà vợ chồng nó gây ra cho tôi. Từ ngày nhận lá thư, đêm nào không ngủ được tôi cũng mang thư ra đọc rồi gấp lại, mang đi cất. Lúc đó, nước mắt tôi cứ thế chảy dài trên má’’. Tôi nói: “Nếu nghĩ cho bé và tha thứ sẽ làm cô thanh thản hơn thì cô hãy làm điều đó’’. Im lặng lúc lâu rồi bà nói: “Tôi sẽ suy nghĩ’’.

Đã tìm được niềm vui

Cuộc gặp của tôi với bà H. đến nay đã hơn một năm. Sau cuộc nói chuyện với tôi, bà cũng đã viết thư lại cho A, với nội dung chấp nhận tha thứ cho sự dại dội của con dâu và động viên con dâu cố gắng cải tạo tốt để sớm về với gia đình.

Hôm nhận được điện thoại của bà báo tin, tôi vui, bà cũng vui. Tôi vui vì bà H. đã tìm được một tia sáng, lòng bà đã thanh thản hơn khi tha thứ cho con dâu. Bà H vui vì bà đã xóa được sự hận thù, căm hận con dâu. Và những lời trong thư là do A viết, là những lời tự sâu trong tim chị. Bà khoe: “Tôi sẽ cố gắng sống thật vui, chăm bé Mun, đợi vợ chồng nó về. Lần trước, tôi góp được ít tiền đưa bé Mun đi thăm con A. Gặp mẹ, nó vui lắm. Nó cứ ôm lấy mẹ nó, chẳng chịu rời. Lúc về, nó đưa hai tay ôm mẹ nó và nói: “Mẹ có nhớ con không. Con nhớ mẹ nhiều lắm’’.

Và mới đây, bà H. lại gọi điện cho tôi báo tin, con trai bà đã thụ lý xong án tù, trở về cùng bà chăm sóc bé Mun. “Cô vui lắm con ơi!. Thằng D. (con bà H.) về rồi. Nó chưa tìm được việc làm nhưng đang đi làm phụ hồ. Chiều đi làm về, nó phụ cô dọn dẹp nhà, nấu ăn, tắm rửa, cho bé Mun ăn. Con A. cũng sắp về rồi. Gia đình cô sắp được đoàn tụ rồi con ạ!’’, bà H. Khoe.

Cuộc điện thoại chấm dứt, tôi thật vui. Thế là bà H đã tìm được niềm vui trong chính ngôi nhà của mình. Tôi mong con trai bà đừng phạm tội nữa, gắng sống tốt để cùng mẹ chăm bé Mun. Còn A thì gắng cải tạo tốt, trở về cùng bà H đoàn tụ gia đình, để mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của họ trở nên thắm thiết hơn.

Theo Diệu Thuần

Lao động