Buôn lậu “siêu xe”, cán bộ công an phải bồi thường hơn 33 tỉ đồng
(Dân trí) - Ngày 16/10, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo kêu oan, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Giang Lam (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an TPHCM) 14 năm về tội buôn lậu.
Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Quang Vinh 14 năm tù, Trần Thái Nguyên (cùng sinh năm 1982) 8 năm tù, Trần Phước Thạnh (sinh năm 1967) 12 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 9/6/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 118/2009/TT-BTC, cho phép người Việt định cư tại nước ngoài (đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam) khi hồi hương được phép nhập khẩu một ô tô cá nhân đang sử dụng, hoàn toàn miễn thuế.
Biết rõ chính sách, Vinh và đồng phạm lợi dụng sơ hở của chính sách trên, thuê Việt kiều đứng ra nhập xe về bán kiếm lời. Nhóm người này móc nối với Lam, nhờ các cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh đóng dấu khống.
Khi hợp thức hóa thủ tục, nhóm Vinh lấy thông tin của các Việt kiều cung cấp cho đồng phạm sống ở Mỹ. Từ đây, họ mua xe tại Mỹ và thuê hãng tàu vận chuyển về tiêu thụ cho các salon ở TPHCM.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 1/2011 đến cuối năm 2012, đường dây của Vinh đã làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô cho 64 Việt kiều hồi hương. Trong đó, 54 xe được thuê mướn để hợp thức hoá hành vi buôn lậu, bao gồm ôtô Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche... và 12 môtô phân khối lớn; trị giá hơn 350 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát 168 tỉ đồng tiền thuế.
Qua đó, Lam bỏ túi 360.000 USD từ việc thuê và giới thiệu cho Vinh 36 Việt kiều. Vinh và Thạnh thu lợi 556 triệu đồng còn Nguyên được hưởng 478 triệu.
Trước đó, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Vinh 14 năm tù, Trần Thái Nguyên 8 năm tù, Trần Phước Thạnh 12 năm tù và Nguyễn Giang Lam 14 năm về tội buôn lậu.
Liên quan vụ án, tòa xét xử bị cáo Bùi Khắc Hà (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Về phần dân sự, do các bị cáo phạm tội gây thiệt hại thất thu thuế cho nhà nước hơn 162 tỉ đồng nên toà buộc phải nộp để sung vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, ba bị cáo Vinh, Thạnh, Nguyên mỗi người hơn 45 tỉ đồng, bị cáo Lam hơn 26,5 tỉ đồng. Đồng thời, các bị cáo còn phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ 478 triệu đồng đến 556 triệu. Riêng bị cáo Lam hưởng lợi là hơn 8,3 tỉ đồng (tương đương 360.000 USD) tuy nhiên Lam đã dùng một phần số tiền này để chi trả cho các Việt kiều còn lại hơn 7 tỉ đồng. Do đây là tang vật của của vụ án nên yêu cầu tất cả Việt kiều này nộp lại toàn bộ tiền trên nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Lam kháng cáo kêu oan, bị cáo Vinh, Thanh, Nguyên kháng cáo về phần dân sự.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Lam một mực kêu oan và cho rằng bản án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội buôn lậu là không có căn cứ. Trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm chưa làm rõ được động cơ mục đích phạm tội của bị cáo, cũng như vụ án không có người chủ mưu nhưng bị cáo lại bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức. Ngoài ra, bị cáo Lam chỉ ra nhiều điểm vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm.
Các bị cáo còn lại, không kháng cáo về mặt hình sự, về phần dân sự các bị cáo xin không nộp lại số tiền thất thu thuế. Các bị cáo cho rằng mình không phải chủ mưu trong vụ án, chỉ làm công ăn lương, hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng khắc phục.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, mặc dù tại phiên tòa bị cáo Lam kêu oan nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ, lời khai của người liên quan có đủ căn cứ xác định bị cáo Lam đã phạm tội buôn lậu. Từ đó, HĐXX bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Lam, tuyên y án sơ thẩm.
Đối với kháng cáo xin không nộp lại tiền thuế bị thất thu, HĐXX nhận định đây là vụ án buôn lậu nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự cũng như dân sự. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Xuân Duy