1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Bộ Công an: Việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra công khai trên mạng xã hội

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Trong báo cáo Đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN), Bộ Công an chỉ ra thực trạng dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan, nhiều hành vi vi phạm pháp luật thiếu quy định xử lý.

Theo Bộ Công an, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

"Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật", theo Bộ Công an.

Nhà chức trách cũng cho rằng, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. 

Bộ Công an: Việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra công khai trên mạng xã hội - 1

(Ảnh minh họa: Bộ TTTT).

Thậm chí, các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.

"Việc buôn bán dữ liệu cá nhân được tiến hành có hệ thống, có tổ chức, cam kết "bảo hành" và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua. Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng", Bộ Công an cho biết.

Việc mua bán được tiến hành qua website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc. Việc thanh toán được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, nhiều giao dịch ghi rõ nội dung mua bán dữ liệu.

Theo Bộ Công an, thực trạng mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp. 

Cụ thể, một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng để thu thập thông tin tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị; tán phát mã độc có chức năng thu thập dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng...

Thời gian gần đây, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Trong năm 2023, Bộ Công an đã chủ động phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng.

Bộ Công an: Việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra công khai trên mạng xã hội - 2

Hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân công khai trên mạng xã hội (Ảnh: VTV).

Qua công tác đấu tranh, Bộ Công an phát hiện số lượng lớn dữ liệu bị lộ mất được tin tặc rao bán công khai trên các nền tảng, diễn đàn (BreachedForums, Telegram, Facebook).

Các đối tượng rao bán hoạt động với độ ẩn danh cao, thủ đoạn hoạt động và phương thức thanh toán hoàn toàn bằng tiền mã hóa nên khó truy vết. Nổi lên là: nhóm Telegram "Data Pro 298" (4.685 thành viên) cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin dữ liệu viễn thông, Facebook, điện lực, ví điện tử Momo, thông tin biển kiểm soát phương tiện giao thông; nhóm Telegram "Tra cứu thông tin toàn quốc" (2.700 thành viên) cung cấp dịch vụ tra "nóng" dữ liệu cá nhân công dân Việt Nam (dữ liệu thời gian thực); diễn đàn tin tặc "Nohide.space" (nguồn gốc Nga) rao bán số lượng lớn thông tin đăng nhập nhiều hệ thống trọng yếu của Việt Nam…

"Một số trường hợp còn lợi dụng các diễn đàn, hội nhóm chia sẻ phương thức tấn công mạng, cách thức phát triển, phát tán mã độc số lượng lớn, gây nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng.

Thực trạng này cho thấy hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước và khu vực doanh nghiệp vẫn có những điểm yếu, lỗ hổng bảo mật để tin tặc lợi dụng xâm nhập, đánh cắp dữ liệu", Bộ Công an đánh giá.