1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị 13-15 năm 6 tháng tù

Nguyễn Hải Đức Văn

(Dân trí) - Đại diện viện kiểm sát đánh giá, hành vi phạm tội của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và các đồng phạm đã gây bức xúc trong dư luận nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù.

Chiều 8/1, phiên xét xử các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Lê Thanh Vân (61 tuổi, cựu đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội) kết thúc phần xét hỏi.

Các bị cáo nhận tiền trên 1 tỷ đồng

Trước khi bước sang tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với các bị cáo. 

Đại diện VKS đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến nhân dân. 

Trong đó, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã 4 lần thực hiện hành vi phạm tội và nhiều lần nhận tiền, quà cảm ơn. Trong đó, ông Nhưỡng đã nhận 210 triệu đồng và 300.000 USD, một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội; được hứa tặng một lô đất hơn 1.000m2 ở Quảng Ninh. 

Bị cáo Lê Thanh Vân đã 2 lần thực hiện hành vi phạm tội; nhận 60 triệu đồng, một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội và được hứa tặng một lô đất ở Quảng Ninh.

VKS đánh giá, số tiền các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương đã nhận đều trên 1 tỷ đồng. 

"Các bị cáo đều là những người hiểu biết pháp luật và có chức vụ nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội nên cần tuyên một bản án nghiêm khắc", VKS nêu rõ.

Từ những nhận định, phân tích trên, VKS đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng mức án 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản; 10-12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hình phạt là 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù.

Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân mức án 7-9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. 

Cơ quan công tố cũng đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Minh Cường, 39 tuổi (thường gọi Cường "Quắt") mức án 7-8 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản; Vũ Đăng Phương (42 tuổi) mức án 6-7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản; Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước) mức án 13-14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Trước đó, tại phần xét hỏi, trả lời thẩm vấn về các cáo buộc Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói giữ nguyên tất cả lời khai tại cơ quan điều tra và không có ý kiến gì thêm.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị 13-15 năm 6 tháng tù - 1

Ông Lưu Bình Nhưỡng và các bị cáo tại tòa (Ảnh: Trọng Hưng).

Theo cáo buộc, năm 2020, ông Nguyễn Thế Mạnh (Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mạnh Đức) và ông Nguyễn Trọng Phong (ở tỉnh Bắc Ninh) chung vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III (ở phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh).

Sau khi hồ sơ dự án được các cấp có thẩm quyền thông qua, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xuất hiện kiến nghị từ một số công ty khác khiến thời gian chờ đợi kéo dài.

Do đó, ông Mạnh và ông Phong đã nhờ anh Nguyễn Văn Đức (ở thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tìm người can thiệp giúp. Sau đó, anh Đức tìm đến ông Nhưỡng, khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi tiếp nhận đơn, ông Nhưỡng đã lấy tư cách đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn của Công ty Mạnh Đức gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết.

Cuối tháng 3/2021, khi dự án đã được phê duyệt ông Nhưỡng nhận 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng).

Đối với việc giúp đỡ Công ty cổ phần Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh) sớm được cấp phép dự án tại tỉnh Quảng Ninh, ông Nhưỡng trình bày việc giúp đỡ này với tư cách là Đại biểu Quốc hội không phải tư cách cá nhân.

Sau khi giúp Công ty Trường Sinh, ông Nhưỡng đã nhận tiền cảm ơn của doanh nghiệp nhưng không nhớ nhận bao nhiêu lần.

Cầm tiền cho người đưa vui, không đòi hỏi

Tham dự phiên xét xử với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Nguyễn Đức Sinh (46 tuổi, trú Hải Phòng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trường Sinh) và ông Trần Sỹ Thanh (57 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội, là Giám đốc Công ty Trường Sinh) đều khẳng định nhiều lần đưa tiền cảm ơn cho ông Nhưỡng. 

Cụ thể, ông Thanh khai 6 lần đưa tiền cho bị cáo Lưu Bình Nhưỡng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2023, với tổng số tiền 210 triệu đồng; lần đưa nhiều nhất là 100 triệu đồng, ít là 10 triệu đồng.

Bị cáo Lê Thanh Vân bị cáo buộc 2 lần nhận tiền của lãnh đạo Công ty Trường Sinh để giúp doanh nghiệp này sớm được thực hiện dự án thăm dò khoáng sản tại đồi Bắc Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Trước bục khai báo, ông Vân một mực phủ nhận về lần đầu gặp ông Sinh, Thanh tại quán ăn trưa và nhận 10 triệu đồng.

"Lúc đó còn dịch Covid-19, bị cáo rất cẩn thận, không ra ngoài ăn uống với ai vào buổi trưa", bị cáo Vân phân trần và cho biết lần gặp đầu tiên với 2 lãnh đạo của Công ty Trường Sinh là tại phòng ông Lưu Bình Nhưỡng.

Khi gặp, ông Nhưỡng giới thiệu hai doanh nhân có vướng mắc với dự án ở Quảng Ninh nên nhờ ông Vân nói thêm với lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh. Sau đó, bị cáo Vân hỏi cụ thể vụ việc rồi lấy điện thoại gọi ngay đến Quảng Ninh.

Cuộc gọi được ông Vân bật loa ngoài để mọi người trong phòng cùng nghe. Lúc này, ông Lưu Bình Nhưỡng đã ghi âm toàn bộ.

Về lần gặp thứ hai với các doanh nhân này, bị cáo Vân trình bày cũng do "tình cờ" khi sang phòng ông Nhưỡng uống nước chè. 

Khi ra về, bị cáo Vân được một người chạy theo dúi quà cảm ơn vào túi và nói: "Bọn em sống có trước có sau, em cảm ơn, anh cầm cho em vui". Ông Vân nghĩ cầm cho họ vui chứ bản thân không đòi hỏi.

"Lúc đấy bị cáo nhận thức đây là tiền cảm ơn", ông Vân khai.