Xét xử vụ 8 người chạy thận tử vong tại Hòa Bình
Bị cáo Hoàng Công Lương: Bác sĩ điều trị không chịu trách nhiệm chất lượng máy móc
(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương khai, trước khi xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, bị cáo được phân công làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình với nhiệm vụ bác sĩ điều trị, không chịu trách nhiệm về chất lượng máy móc chạy thận tại đây, việc này do phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế BV này quản lý.
Ngày 15/5, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận nhân tạo tại Đơn nguyên thận nhân tạo ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 người chết, 10 người bị thương xảy ra ngày 29/5/2017.
Được thông báo máy chạy thận đã sửa xong, hoạt động bình thường
Được Hội đồng xét xử (HĐXX) đề nghị kể lại diễn biến vụ việc, đứng trước bục khai báo, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết: Vào khoảng 7h ngày 29/5/2017, bị cáo và hai bác sĩ, 7 điều dưỡng có mặt tại Đơn nguyên thận nhân tạo của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình để chuẩn bị ca lọc máu chạy thận cho bệnh nhân, lúc đó có điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo cho tất cả mọi người biết trong đó có bị là Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế đã bảo dưỡng sửa chữa hệ thống nước RO số 2 xong và đã bàn giao báo có thể hoạt động bình thường. Sau đó, điều dưỡng Nguyễn Thị Hậu có đã khởi động hệ thống nước RO và báo các chỉ số hoạt động bình thường, tiếp theo tất cả nhân viên trong đơn nguyên hiện tại đi làm công việc của mình.
Lúc đó, bị cáo Lương cùng 2 bác sĩ trong đơn nguyên đã phân công nhau ra mỗi người một buồng lọc máu để khám và ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân. Bị cáo ở buồng lọc số 1 và hai bác sĩ còn lại ở buồng lọc khác nhau.
Sau khi xem xét các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đủ điều kiện lọc máu thì bị cáo và 2 bác sĩ ra y lệnh lọc máu cho các bệnh nhân. Sau khoảng 30-45 phút, trong quá trình lọc máu thì tình trạng bệnh nhân ổn định, máy chạy thận nhân tạo không có dấu hiệu gì bất thường. Nhưng sau khoảng 35-40 phút tiếp theo, 18 bệnh nhân chạy thận của ca lọc máu hôm 29/5/2017 đều xuất hiện những triệu chứng bất thường như tức ngực, khó thở, ngứa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Sau đó, bị cáo và 2 bác sĩ cho y lệnh dừng lọc máu và xử trí cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ của sốc phản vệ thì tình trạng bệnh nhân có cải thiện. Nhưng khoảng 15 phút sau, tình trạng bệnh nhân lại diễn biến tái phát lại, bị cáo và các bác sĩ lại tiếp tục xử trí cấp cứu. Tiếp theo, chúng tôi sàng lọc những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ thì giữ lại Đơn nguyên thận nhân tạo để tiếp tục theo dõi, còn những bệnh nhân nào mà các chỉ số huyết áp, chỉ số sinh tồn ổn định nhưng triệu chứng về nhiễm độc nặng thì chúng tôi hộ tống chuyển Đơn nguyên Hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi tiếp.
Trong quá trình cấp cứu các bệnh nhân, sau khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo khoa cùng các y bác sĩ ở Đơn nguyên Hồi sức tích cực xuống hỗ trợ. Ít phút sau các bác sĩ Đơn nguyên Hồi sức tích cực đã kịp thời xuống để cùng bị cáo và các nhân viên trong Đơn nguyên thận nhân tạo tiến hành cấp cứu cho các bệnh nhân.
Sau khi chuyển các bệnh nhân nặng lên Đơn nguyên Hồi sức tích cực, bị cáo được lãnh đạo khoa phân công sang BV thành phố Hòa Bình để tiếp tục lọc máu cho những bệnh nhân vừa chạy thận. Bị cáo sang BV thành phố Hòa Bình thì lọc máu cho 10 bệnh nhân còn lại. Trong quá trình lọc máu cho bệnh nhân ở BV thành phố Hòa Bình thì bị cáo cũng được nghe thông tin các bệnh nhân ở Đơn nguyên Hồi sức tích cực BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình có diễn biến bất thường và lần lượt tử vong.
Sau khi bị cáo lọc máu cho 10 bệnh nhân tại BV thành phố Hòa Bình, buổi tối cùng ngày, bị cáo và các nhân viên y tế của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục hộ tống các bệnh nhân còn lại xuống BV Bạch Mai (Hà Nội) xử lý tiếp.
Bác sĩ điều trị không chịu trách nhiệm về chất lượng máy lọc thận
HĐXX: Trước khi xảy ra sự cố, ngày 28/5/2017 hệ thống lọc nước tại Đơn nguyên thận nhân tạo của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình có đưa vào sửa chữa, bảo dưỡng, bị cáo có biết không?
- Trước khi xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, bị cáo và tất cả mọi người trong Đơn nguyên thận nhân tạo đều biết là có đơn vị đến sửa chữa, bảo dưỡng vào sáng 28/5/2017.
Theo như lời khai của bị cáo Sơn, thì trước đó, ngày 20/4/2017, bị cáo và điều dưỡng là chị Hằng có ký đề xuất về việc sửa chữa, bão dưỡng hệ thống lọc nước RO tại Đơn nguyên thận? Bị cáo có được ký đề xuất bảo dưỡng hệ thống lọc nước này không?
- Đơn đề xuất sửa chữa của ngày 20/4/2017 là của Phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế làm đề xuất. Đề xuất này là do Trần Văn Sơn (cán bộ phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế) viết đề xuất và sau đó, bị cáo và điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng đã ký vào đơn đề xuất này với tư cách là những người xác nhận trang thiết bị vật tư y tế tại Đơn nguyên là hỏng hóc cần sửa chữa. Còn đơn đề xuất là do phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế đề xuất sửa chữa.
Lý do tại sao mà phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế lại biết hệ thống máy móc bị sự cố hỏng hóc hoặc cần phải sửa chữa, bảo dưỡng để làm đề xuất đó?
- Sau khi thấy các thiết bị hệ thống lọc nước RO có vấn đề thì điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng đã báo cho Sơn lên để kiểm tra, đánh giá tình trạng hệ thống nước, sau đó Sơn mới có đơn đề xuất.
Tức là theo bị cáo thì chị Hằng trong quá trình sử dụng hệ thống máy làm chất lượng nước không đảm bảo có phản ánh lại với phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế và bị cáo Sơn đã đến kiểm tra. Khi kiểm tra này, bị cáo có được cùng với bị cáo Sơn hoặc người khác kiểm tra, đánh giá về chất lượng cũng như sự cố hỏng hóc của hệ thống lọc nước này không?
- Bị cáo không, vì không phải nhiệm vụ của bị cáo.
Tức là bị cáo không có trách nhiệm trong nội dung đó, đúng không?
- Vâng!
Theo bị cáo việc này là trách nhiệm của ai?
- Nếu tình trạng hỏng hóc thuộc về thiết bị y tế thì trách nhiệm của phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế.
Tại Đơn nguyên thận nhân tạo, bị cáo có nhiệm vụ làm gì ở đây?
- Nhiệm vụ của bị cáo là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên này.
Bị cáo có được ai giao nhiệm vụ phụ trách hoặc điều hành ở Đơn nguyên thận này không?
- Không có ai báo cho bị cáo là phụ trách ở Đơn nguyên thận nhân tạo.
Thế trong quá trình điều hành, các bác sĩ và điều dưỡng ở Đơn nguyên thận nhân tạo thì ai là người có trách nhiệm để quản lý, điều hành, phân công nhiệm vụ cho từng người?
- Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc đơn nguyên Hồi sức tích cực. Hồi sức tích cực có hai đơn nguyên là: Đơn nguyên thận nhân tạo và Đơn nguyên Hồi sức tích cực.
Quản lý điều hành, phân công công việc cho bị cáo cũng như các nhân viên thì đều do lãnh đạo khoa phân công.
Tức là lãnh đạo khoa phân công trực tiếp, nhưng mà để phụ trách công việc hàng ngày, để quản lý những bác sĩ, điều dưỡng và sử dụng hệ thống máy móc ở đấy, ai là người phụ trách?
- Bị cáo cùng 2 bác sĩ khác được lãnh đạo phân công xuống làm nhiệm vụ bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Sự phân công này cũng theo tháng, theo quý, cho nên bị cáo không nắm rõ là ai là người quản lý đơn vị đó. Nếu mà quản lý bị cáo nghĩ là của phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế, còn Đơn nguyên thận nhân tạo là những người sử dụng.
Tức là về máy móc là phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế quản lý sử dụng cái đó, đúng không?
- Quản lý thuộc về phòng Vật tư thiết bị y tế, còn sử dụng là Đơn nguyên thận nhân tạo.
Ở đây, quản lý thì đương nhiên là thuộc về phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế đúng không? Nhưng người sử dụng theo bị cáo khai là do Đơn nguyên thận nhân tạo, Đơn nguyên thận nhân tạo này là, cụ thể như bị cáo khai là phân công theo tháng, theo quý là quản lý. Đơn nguyên thận đó không thành lập khoa chạy thận riêng mà nằm trong khoa Hồi sức tích cực bao gồm 2 đơn nguyên, trong đó có Đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo có được giao nhiệm vụ quản lý, hay điều hành công việc ở Đơn nguyên thận nhân tạo này không?
l- Bị cáo không được giao phụ trách hay quản lý đơn nguyên thận nhân tạo.
Thực tế ngày xảy ra sự cố là ngày 29/5/2017, bị cáo có được phân công và được giao nhiệm vụ cho các bác sĩ trong đơn nguyên tiến hành các hoạt động trong đơn vị này?
- Đầu tháng bị cáo và 2 bác sĩ điều trị khác được lãnh đạo khoa phân công xuống để làm nhiệm vụ bác sĩ điều trị, nhiệm vụ của các bác sĩ đều như nhau. Về quản lý, phân công các bác sĩ khác thì bị cáo không có quyền hạn về việc này.
Khi giao nhiệm vụ quản lý, xử trí các tình huống phát sinh trong quá trình chạy thận, thì ai là người có quyền xử lý những công việc phát sinh?
- Vì quy trình chạy thận thì nó có nhiều quy trình của điều dưỡng và của bác sĩ. Bị cáo và 2 bác sĩ đều làm những công việc như nhau. Nếu như có ca lọc máu nào mà khó thì chúng tôi sẽ hội ý với nhau để đưa ra những chuẩn đoán cũng như những phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Vào ngày 29/5/2017, như bị cáo khai mỗi bác sĩ phụ trách một buồng, việc phân công ai vào buồng nào thì ai là người phân công?
- Về mặt pháp lý thì bị cáo không được là người phân công, nhưng bị cáo là người lớn tuổi nhất và đi học chuyên môn sâu hơn thì hai bác sĩ đã tôn trọng và nhờ bị cáo phân công. Sau đó, bị cáo có nhận vào buồng lọc máu số 1, còn hai bác sĩ khác mỗi người vào các buồng còn lại.
Nguyễn Dương