1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Bắt "nữ quái" cung cấp thẻ ATM cho đối tượng lừa đảo

(Dân trí) - Phong đứng ra nhận làm thẻ ATM và cung cấp cho Ngoan đi lừa đảo nhiều người với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

>> Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới, lần đầu xuất hiện ở Sài Gòn

Ngày 22/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an TPHCM cho biết, vừa thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Thị Tuyết Phong (36 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phong chính là đối tượng đã sử dụng giấy CMND đứng tên nhiều người đến ngân hàng Sacombank đăng ký mở tài khoản thẻ, cung cấp cho Phan Văn Ngoan (57 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) sử dụng làm phương tiện lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Trần Thị Tuyết Phong tại cơ quan công an
Trần Thị Tuyết Phong tại cơ quan công an

Trước đó như Dân trí đã đưa tin, giai đoạn cuối tháng 6 vừa qua, Phòng PC46 - Công an TPHCM liên tiếp nhận được đơn trình báo của các nạn nhân về việc bị đối tượng lạ mặt gọi điện vào số máy bàn để lừa đảo.

Thủ đoạn của chúng là gọi điện vào số bàn sau đó giả là Việt kiều, người thân đang sinh sống ở nước ngoài. Sau quá trình hỏi thăm tình hình, người này trình bày hoàn cảnh là hiện có bạn thân hoặc con của bạn thân đang gặp khó cần số tiền lớn để lo liệu, nhờ nạn nhân cho vay mượn và hứa sẽ trả sau vài ngày. Do tin tưởng nên nhiều nạn nhân đã bị đối tượng xấu lừa đảo.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, PC46 xác định Phan Văn Ngoan chính là đối tượng thực hiện việc gọi điện lừa đảo nên mới đây đã tiến hành bắt giữ để điều tra.

Bước đầu tại cơ quan công an, Ngoan thừa nhận thực hiện hành vi lừa đảo từ đầu năm 2016 đến nay, nhằm kiếm tiền trả nợ nần do cá độ bóng đá và chơi đề.

Ngoan khai nhận, tự thực hiện hành vi lừa đảo một mình và phương thức thủ đoạn cũng do tự mình nghĩ ra.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Ngoan ra bến xe miền Tây (quận Bình Tân) tìm các đối tượng cò để mua giấy chứng minh nhân dân cũ với giá 1 triệu đồng/cái.

Sau khi có chứng minh nhân dân, Ngoan thuê Trần Thị Tuyết Phong dán ảnh của Phong vào và đến ngân hàng đăng ký làm thẻ tài khoản rồi cung cấp cho Ngoan dùng vào việc nhận tiền lừa đảo.

Mỗi thẻ tài khoản, Ngoan trả công cho Phong 2 triệu đồng. Mặc dù biết mục đích lừa đảo của Ngoan nhưng Trần Thị Tuyết Phong vẫn đồng ý làm giúp để nhận tiền công.

Ngoài ra, Ngoan tìm mua các tờ rơi có in danh sách tên tuổi, số điện thoại 1 số cá nhân để thực hiện việc lừa đảo.

Sau khi thực hiện xong mỗi phi vụ lừa đảo, Ngoan vứt sim rác, hủy các tài khoản ngân hàng để phi tang chứng cứ và tránh sự truy lùng của cơ quan công an.

Phan Văn Ngoan cũng đã bị công an khởi tố, bắt giam
Phan Văn Ngoan cũng đã bị công an khởi tố, bắt giam

Bước đầu, Phong khai nhận trực tiếp và thuê người khác làm tổng cộng 8 thẻ tài khoản. Các đối tượng khai ngân hàng Sacombank được chọn làm thẻ vì ngân hàng này cho phép chủ tài khoản rút nhiều tiền trong một ngày, và nhân viên ngân hàng khi làm thẻ tài khoản thường ít đối chiếu nên không phát hiện giấy chứng minh bị cắt dán.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định, Ngoan đã thực hiện trót lọt 10 phi vụ lừa đảo (8 ở TPHCM và 2 ở TP Cần Thơ) với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân - Đội trưởng đội 8 - PC46 - Công an TPHCM khuyến cáo, việc người dân biết rõ mục đích của đối tượng là sử dụng tài khoản ngân hàng vào việc lừa đảo nhưng vẫn nhận lời làm thẻ giúp, đó là hành vi tiếp tay cho tội phạm lừa đảo. Tùy vào số tiền mà đối tượng lừa đảo được thì những người làm thẻ hoặc cung cấp thẻ cho đối tượng sẽ phải chịu mức án tương ứng.

Đình Thảo

Bắt "nữ quái" cung cấp thẻ ATM cho đối tượng lừa đảo - 3