Hà Nội:
Bạo hành con trai 10 tuổi, bố đẻ mẹ kế rơi nước mắt khi nhận án tù
(Dân trí) - Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Trần Hoài Nam 2 năm 6 tháng tù về tội “Hành hạ con”, 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hình phạt là 6 năm 6 tháng tù; tuyên phạt Phạm Thị Tú Trinh 2 năm tù về tội “Hành hạ con”, 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hình phạt là 5 năm tù.
Đối xử tàn ác với con đẻ
17h chiều 31/8, HĐXX sơ thẩm TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) tuyên án vụ bé trai 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế hành hạ. Theo HĐXX, sự vắng mặt của bị hại không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì người đại diện là mẹ cháu bé đã có mặt tại tòa.
Luật sư đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt do phạm tội lần đầu là không đúng với quy định.
Tại phiên tòa, qua xét hỏi, các bị cáo đã nhận tội như cáo trạng truy tố. Lời khai của các bên, bản giám định pháp y, kết luận giám định pháp y bổ sung, vật chứng và các tài liệu khác, đủ cơ sở kết luận Nam và Trinh thường xuyên đánh đập, mắng chửi cháu K., làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của cháu, đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ con”.
Nam và Trinh là người trực tiếp chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cháu K.. Đây là vụ án có đồng phạm. Nam là bố đẻ của K., theo quy định, cha mẹ phải yêu thương, chăm sóc con để con trưởng thành, phát triển thì Nam lại có hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên đánh đập, chửi mắng, gây thương tích cho cháu K. là 22%. Chính người bố này đã đạp vào người khiến cháu An gãy xương sườn, riêng thương tích này là 15%.
Bị cáo Trinh là đồng phạm tích cực, đáng lẽ phải can ngăn khi thấy Nam đánh con nhưng lại là người mách cho Nam đánh K., thậm chí dùng các vật khác đánh con riêng của Nam.
Xét hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, vì vậy cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc. Bị cáo Nam có vai trò chính trong vụ án nên hình phạt cho bị cáo này phải cao hơn bị cáo Trinh.
HĐXX tuyên bố, Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh phạm tội “Hành hạ con” và “Cố ý gây thương tích”. Về hình phạt, tòa sơ thẩm tuyên phạt Trần Hoài Nam 2 năm 6 tháng tù về tội “Hành hạ con”, 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hình phạt là 6 năm 6 tháng tù; tuyên phạt Phạm Thị Tú Trinh 2 năm tù về tội “Hành hạ con”, 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hình phạt là 5 năm tù.
Trước đó, được nói lời sau cùng tại tòa, Trần Hoài Nam không giấu được những giọt nước mắt hối hận. Ngập ngừng một lát, Nam gửi lời xin lỗi tới bé K. và gia đình: “Ba xin lỗi con, ba sai rồi. Con xin lỗi bố mẹ, con là đứa con bất hiếu. Qua đây, bị cáo cũng muốn gửi lời xin lỗi tới Ngân. Thông qua HĐXX, bị cáo gửi lời tới các ông bố, bà mẹ nên yêu thương chăm sóc con mình nhiều hơn, đừng vấp phải tội lỗi như bị cáo để giờ hối không kịp.”.
Trong lời sau cùng của mình, Phạm Thị Tú Trinh cho rằng điều ân hận nhất của Trinh là đã không chăm sóc tốt cho cháu K.. Bị cáo mong muốn có cơ hội bù đắp nhiều hơn cho cháu.
“Bố mẹ bị cáo chưa biết có phiên tòa ngày hôm nay. Bị cáo muốn gửi lời xin lỗi tới bố mẹ.” - bị cáo Trinh sụt sùi.
Ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, tinh thần cháu bé
Tại phần xét hỏi sáng 31/8, bị cáo Phạm Thị Tú Trinh thừa nhận đã cùng chồng mắng, chửi và dùng muôi inox đánh cháu K.. Đến tháng 7/2017, bị cáo và Nam không cho cháu K. đi học để ở nhà để dậy dỗ cháu K.. Trước ngày cháu K. bỏ trốn về nhà ông nội (ngày 5/12/2017), bị cáo có mua thịt bò về hầm, cháu K. đã ăn vụng nên bị cáo dùng đũa vụt lên mặt cháu.
Vừa sụt sịt vừa trả lời trước HĐXX, Trinh thừa nhận hành vi đánh con riêng của chồng. Bị cáo có dọa nạt cháu K. nếu không nghe lời sẽ nói lại với chồng. Bị cáo thừa nhận, dù ở nhà nhiều với con nhưng giữa bị cáo và con riêng của chồng không có sự thân thiện bởi cháu K. hay nghịch nên bị cáo tức giận.
Thừa nhận là người có lỗi vì chưa chăm sóc và quan tâm cháu K. đúng với trách nhiệm của một người mẹ, Phạm Thị Tú Trinh cũng khẳng định, tất cả vết thương trên người cháu K. ngoài Nam và bị cáo ra không có ai gây ra cho cháu.
Tại tòa, bị cáo Trần Hoài Nam thừa nhận toàn bộ hành vi như trong cáo trạng nêu. Nam cho biết, từ tháng 7/2016, bị cáo bắt đầu sử dụng roi vọt với cháu K. sau khi chuyển từ nhà bố mẹ đẻ ra một khách sạn. Bị cáo dùng, roi, móc quần áo, muôi... để đánh cháu con.
Trình bày quan điểm trước tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Nam và Trinh đã bàn bạc với nhau đẻ cùng giám sát cháu K., khi K. mắc lỗi thì Trinh sẽ báo lại cho Nam “xử lý”, đỡ mang tiếng là đánh con chồng. Nam, Trinh không cho cháu K. đi học trong thời gian dài, phạt cháu K. uống nước mắm khi mắc lỗi, phạt không cho cắt tóc trong nhiều tháng.
“Hành vi của hai bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và xâm hại quyền bảo vệ sức khỏe con người. Đặc biệt, trong vụ án này, bị hại ở tuổi trẻ em nên các hành vi gây ảnh hưởng tâm lý, trí tuệ và tinh thần của cháu bé về lâu dài. Khi vụ án được phát hiện, cháu K mới hơn 9 tuổi. Bị cáo Nam đã không làm tròn trách nhiệm của người cha. Mặc dù, anh ta sinh ra trong môi trường giáo dục tốt, được học hành đầy đủ.” - đại diện VKS nói.
Theo VKS, hai bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội và phù hợp với các tài liệu thu thập được. Từ đó, có cơ sở khẳng định hành vi của Nam và Trinh đã phạm vào tội “Hành hạ con” và “Cố ý gây thương tích”. Việc truy tố, xét xử Nam và Trinh là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trần Hoài Nam 24 đến 30 tháng tù về tội “Hành hạ con”, 42 đến 48 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp là 66 - 78 tháng tù; đề nghị tuyên phạt Phạm Thị Tú Trinh 18 - 24 tháng tù về tội “Hành hạ con”, 30 - 36 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp là 48 - 60 tháng tù.
Luật sư bào chữa cho hai bị cáo đồng ý với quan điểm của VKS song lại cho rằng, mẹ đẻ cháu K. không quan tâm tới con, không xem cháu học ở đâu, cho rằng đây là sự chủ quan. Nếu mẹ cháu có trách nhiệm hơn, sát sao hơn thì đã sớm ngăn chặn được sự việc.
Cũng theo luật sư, phía nhà trường cũng không sát sao trong sự việc. Nhà trường khi không thấy cháu đi học cũng không kiên quyết làm rõ cháu nghỉ học như thế nào.
Cùng với đó, luật sư bào chữa cũng cho rằng, một phần khác là hàng xóm sinh hoạt và ở cùng gia đình cháu bé cũng không sát sao khiến sự việc không được phát hiện sớm. Theo luật sư, điều này cho thấy mức độ về ý thức cộng đồng xã hội của người xung quanh còn hạn chế.
Đối đáp với quan điểm của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát không đồng thuận với quan điểm của luật sư về việc xã hội không sát sao để cháu K. bị bố mẹ đánh.
Mẹ đẻ cháu K. tại tòa đã xin giảm án cho Trần Hoài Nam vì “dù gì anh ấy cũng là bố của hai đứa con tôi”. Với Phạm Thị Tú Trinh, chị Ngân không xin giảm án.
Tiến Nguyên