Bác sỹ pháp y và bí ẩn “vạch mặt” hung thủ

Hai nạn nhân bị sát hại với nhiều vết đập làm dập nát hết phần đầu, hiện trường loang lổ các vũng máu... nhưng với kinh nghiệm dày dặn, sau gần 4 tiếng đồng hồ, anh Minh cùng đồng đội đã hoàn thành công tác khám nghiệm tử thi vụ án mạng.

Với kinh nghiệm 10 năm công tác, làm bác sỹ pháp y tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên, Đại úy Nguyễn Công Minh đã khám nghiệm tử thi trên 1.500 trường hợp; tất cả đều cho kết quả chính xác, nhanh chóng, phục vụ tốt công tác điều tra, phá án.

Tôi gặp Đại uý Nguyễn Công Minh - Đội trưởng Đội giám định hoá kỹ thuật pháp lý và pháp y sinh vật, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên tại phòng làm việc khi anh đang kiểm tra, lau chùi các thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ chuyến công tác đêm hôm trước. Vừa thực hiện công việc, anh vừa chậm rãi kể lại.

Khoảng 14h ngày 9/11, đơn vị nhận được yêu cầu khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi một vụ án mạng xảy ra tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) làm 2 nạn nhân tử vong tại chỗ. Anh và các đồng đội nhanh chóng lên đường. Tiếp cận được với nơi xảy ra vụ án thì trời cũng đã nhá nhem tối, các bước khám nghiệm được anh cùng đồng đội khẩn trương triển khai.

Hai nạn nhân bị sát hại với nhiều vết đập làm dập nát hết phần đầu. Việc miêu tả tư thế nằm, quần áo, hiện trường được thực hiện một cách chi tiết, cẩn thận. Do nạn nhân bị đối tượng đập nát sọ nên việc xác định số lượng, hình dạng các vết thương gặp rất nhiều khó khăn, hiện trường loang lổ các vũng máu... nhưng với kinh nghiệm dày dặn, cách làm việc tập trung, kỹ lưỡng nên sau gần 4 tiếng đồng hồ, công tác khám nghiệm tử thi đã được hoàn tất.

Tốt nghiệp Đại học Y - Dược Thái Nguyên năm 2002, Đại uý Nguyễn Công Minh được tuyển chọn vào ngành Công an, làm công tác giám định hoá kỹ thuật pháp lý và pháp y sinh vật, trực tiếp là giám định pháp y và giám định các chất ma tuý.

“Đối với công tác điều tra, khám phá án thì công tác khám tử thi có vai trò hết sức quan trọng, vì kết quả của công tác này sẽ giúp cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân, thời gian tử vong, số lượng vết thương, vật gây ra vết thương cho nạn nhân… là manh mối để điều tra” – Đại úy Minh giải thích. Hơn 10 năm công tác, gắn liền với anh là những chuyến đi đột xuất, nhưng anh đều hoàn thành nhiệm vụ, đưa ra hàng nghìn kết quả giám định chính xác...

Kể về một số trường hợp giám định tử thi gần đây mà qua kết quả giám định đã giúp cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc, Đại uý Nguyễn Công Minh nhớ lại: “Ngày 27/1/2013, anh và đồng đội nhận được yêu cầu giám định pháp y một vụ án mạng xảy ra tại khánh sạn Mai Đan, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên.

Nạn nhân chết trong phòng 508 của khách sạn, do nhiều vết đâm trên cơ thể, các vết đâm có nhiều góc cạnh, hình dạng khác nhau. Nếu chỉ quan sát nhanh bằng mắt thường thì có vẻ như các vết thương do nhiều hung khí. Nhưng qua việc giám định một cách cẩn thận, tỷ mỷ, tôi đã xác định các vết thương là do cùng môt loại hung khí sắc nhọn gây ra”.

Từ kết quả khám nghiệm chính xác đó đã giúp CQĐT có hướng điều tra, khoanh vùng đối tượng... và tìm thấy 2 thủ phạm sau gần một tháng xảy ra sự việc.

Tại đơn vị, anh là một Đội trưởng gương mẫu, tích cực thi đua, phấn đấu, thường xuyên tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng công việc, khi mà thực tế hiện nay tội phạm ngày càng tinh vi, biết vận dụng khoa học kỹ thuật để che giấu tội lỗi. Chứng kiến cảnh người thân bị mổ tử thi, nhiều người nhà của nạn nhân đã không đành lòng nên có những phản ứng tiêu cực, nhiều khi ngăn cản bác sỹ pháp y thực hiện nhiệm vụ.

Gặp các trường hợp này, anh và đồng đội đều tuyên truyền, vận động, giải thích về ý nghĩa, mục đích của việc mổ tử thi, để xác lập chứng cứ, mở hướng điều tra vụ án, làm cơ sở xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai và sót lọt tội phạm. Nhờ vậy gia đình nạn nhân thấu hiểu và tạo điều kiện để các anh thực hiện nhiệm vụ.

Công việc của bác sỹ pháp y không kể ngày đêm, điều kiện thời tiết, khi có yêu cầu là lên đường, mổ tử thi để tìm nguyên nhân của cái chết ngay tại hiện trường, có thể là ở vùng núi cao, địa bàn hiểm trở, phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tiếp cận được tử thi. Trường hợp tử thi mới tử vong thì công việc giám định đơn giản hơn so với những tử thi phát hiện muộn, đã trong thời kỳ phân hủy, thối rữa, bốc mùi.

Đối với trường hợp nào anh cũng thận trọng, tỉ mỉ để xác định các dấu vết bất thường. Nhiều tử thi là các đối tượng nghiện ma túy, nhiễm các bệnh truyền nhiễm, môi trường làm việc khắc nghiệt nhưng công cụ bảo hộ lao động của các anh cũng chỉ là chiếc khẩu trang, đôi găng tay, áo blu trắng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV.

Thượng tá Tô Công Bộ, Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên nhận xét: “Đại úy Nguyễn Công Minh tuy còn trẻ nhưng luôn tận tụy, không nề hà, ngại khó trong công việc, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ngay khi có ý kiến chỉ đạo. Thường xuyên tu dưỡng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, chấp hành nghiêm túc điều lệnh CAND, tích cực tham gia các phong trào thi đua…”.

Được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, 6 năm liên tục anh là “Chiến sỹ thi đua cơ sở”. Năm 2013, anh vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong trong phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.

Đơn vị chỉ có 2 đồng chí làm bác sỹ pháp y nên việc anh trực ở cơ quan gần như là thường xuyên. Vợ là cán bộ làm công tác phong trào nên nhiều khi cả hai vợ chồng đều phải đi công tác, việc chăm sóc gia đình, chăm lo cho hai con nhỏ gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng vì tận tâm, yêu nghề, và có được sự động viên, thông cảm, sẻ chia của người thân nên anh luôn hoàn thành nhiệm vụ

Theo Danh Quốc
Công an nhân dân