1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố thêm tội danh

Hải Nam

(Dân trí) - Bà Trương Mỹ Lan và 33 bị can khác bị Bộ Công an đề nghị truy tố về 3 tội danh, trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành bản Kết luận điều tra vụ án hình sự số: 13/QĐ-CSKT-P2 và đề nghị truy tố đối với 34 bị can về 3 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan.

Liên quan vụ án, giữa tháng 5, Bộ Công an cho biết, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TPHCM, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt. 

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 công ty phát hành nêu trên tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự là bị hại của vụ án.

Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố thêm tội danh - 1

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 15/3 (Ảnh: Hải Long).

Trước đó, ngày 11/4, TAND TPHCM tuyên bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ và Tham ô tài sản.

Những bị cáo còn lại trong vụ án bị tòa phạt mức án từ 3 năm tù treo tới tù chung thân về một trong các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa, HĐXX cho rằng đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều công ty khác trong "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát.

Mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội, HĐXX có đủ cơ sở xác định bà Lan đã nắm giữ cổ phần hơn 91,5% của Ngân hàng SCB, nắm quyền chi phối gần như tuyệt đối tại SCB.

HĐXX nhận định lời khai của bị cáo Lan và luật sư bào chữa cho rằng bà Lan chỉ nắm 15%, còn lại là của cổ đông nước ngoài và nhờ bạn bè đứng tên là không có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận.

Theo HĐXX, các bị cáo bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau. Bị cáo Trương Mỹ Lan trở thành người có quyền quyết định cao nhất tại SCB, đủ dấu hiệu về mặt chủ thể có chức vụ, quyền hạn của tội Tham ô tài sản.

HĐXX khẳng định lời bào chữa cho rằng bị cáo Lan không có vai trò gì tại SCB là không có căn cứ, không được tòa chấp nhận. HĐXX nhận định có đủ cơ sở xác định các bị cáo phạm vào các tội danh như cáo trạng truy tố.

Hậu quả do bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy nhà băng vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang cho khách hàng, người dân. Hành vi của 86 bị cáo mang tính có tổ chức, trong đó Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội.

Ngoài mức án trên, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) tương đương số tiền là 673.849 tỷ đồng.

Tòa quyết định tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ tương ứng.

Bên cạnh đó, tòa tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt các tài sản có liên quan tới vụ án cũng như kiến nghị làm rõ nhiều nội dung khác.

Ngày 26/4, từ trại tạm giam, bà Trương Mỹ Lan đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.