1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

70 giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc: Tranh luận ai cầm đầu, người chủ mưu

Nhật Linh Đan Bảo Trân

(Dân trí) - Bị cáo chính tham gia hỗn chiến bảo kê đất ở Phú Quốc thừa nhận hành vi giết người, song luật sư cho rằng vai trò mỗi người khác nhau. Thân chủ của họ không chủ mưu, cầm đầu.

Sáng 27/1, ngày làm việc thứ 6 phiên tòa xét xử 70 giang hồ hỗn chiến trong vụ bảo kê đo đất tại Phú Quốc làm 2 người chết, 6 người bị thương diễn ra phần tranh luận.

Luật sư bào chữa cho nhóm 9 bị cáo cầm đầu đã trình bày quan điểm sau khi nghe VKS luận tội và đề nghị các mức án từ 16 năm tù đến tử hình cho thân chủ của mình về tội Giết người.

70 giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc: Tranh luận ai cầm đầu, người chủ mưu - 1

Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Mỹ Hân).

Hầu hết số bị cáo buộc giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, gồm Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus"), Phạm Anh Hiếu, Bùi Đức Ngọc, Nguyễn Quốc Vinh, Đoàn Thiên Long, Bùi Minh Trung (tức Trung "Cà Mau)… thừa nhận hành vi Giết người.

Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng, vai trò của mỗi người khác nhau, trong đó không có chủ mưu, cầm đầu.

Luật sư tranh luận về vai trò chủ mưu, cầm đầu

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đoàn Thiên Long (dùng súng bắn 8 người thương vong, bị VKS đề nghị án tử hình) cho rằng, việc Long bị cáo buộc vai trò có tổ chức là thiếu căn cứ. Luật sư nói Long chỉ được rủ đi làm đất, không tham gia bàn bạc, không được phân công vai trò cụ thể…

Với bị cáo Nguyễn Văn Thái (VKS đề nghị chung thân), luật sư cho rằng Thái có hành vi bàn bạc trao đổi với nhóm, nhưng bản thân không tự quyết định một mình. Do đó, vai trò của Thái chỉ chừng mực, không cầm đầu tất cả vụ này.

70 giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc: Tranh luận ai cầm đầu, người chủ mưu - 2

Bị cáo Nguyễn Văn Thái, tức Thái "Bus" (Ảnh: Mỹ Hân).

Quá trình bào chữa, luật sư của bị cáo Bùi Đức Ngọc (VKS đề nghị chung thân), nói không đồng ý quan điểm của VKS truy tố bị cáo có tính chất côn đồ. Luật sư cho rằng, Ngọc có vai trò hỗ trợ tổ chức sắp xếp cho việc đi đo đất, chứ không phải cầm đầu tổ chức đi đánh nhau.

Còn luật sư Đặng Thị Dung, bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Hiếu (VKS đề nghị chung thân), cho rằng chị cáo có trách nhiệm để xảy ra hậu quả và thừa nhận tội Giết người với vai trò đồng phạm.

"Sau khi nhận đề nghị đo đạc đất, Hiếu nhờ Thái "Bus" vì cho rằng Thái có tiếng nói sẽ giúp đàm phán đo được đất chứ không có mục đích nào khác. Hiếu nhiều lần ngăn cản khi thấy có súng, không liên hệ các nhóm khác, không liên quan đến việc chuẩn bị hung khí… nên không thể cáo buộc Hiếu chủ mưu, cầm đầu", luật sư nêu quan điểm.

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Minh Trung (VKS đề nghị 18-20 năm tù), bị cáo có phạm tội nhưng cho rằng chỉ đồng phạm giản đơn.

"Việc nhận hợp đồng bảo vệ đo đất do bị cáo Thái "Bus" và bị cáo Hiếu thực hiện. Toàn bộ giai đoạn đầu và cuối của bị cáo Trung chỉ có một ý chí duy nhất đó là đi đo đất làm giấy tờ, chứ không cố ý chí đi đánh người… ", luật sư lập luận quan điểm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Văn Lương (VKS đề nghị 18-20 năm tù) cũng thống nhất quan điểm VKS truy tố tội Giết người, nhưng không đồng ý có tính chất côn đồ và vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Theo luật sư, bị cáo Lương không trực tiếp tham gia, không bàn bạc, không có mặt tập trung tại nhà Trung "Cà Mau", bản thân chỉ có hành vi liên quan là giới thiệu một số đàn em, nhưng nhóm này cũng có vai trò không đáng kể.

70 giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc: Tranh luận ai cầm đầu, người chủ mưu - 3

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Hiếu (Ảnh: Mỹ Hân).

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Vinh (VKS đề nghị 17-18 năm tù) cho rằng, VKS cáo buộc bị cáo này chủ mưu, tiếp sức tích cực trong vụ việc là quá nâng cao vai trò của Vinh.

"Trong nhóm 50 bị cáo không có ai là đàn em của Vinh. Vinh không có quyền chỉ đạo ai. Vinh cũng đã chủ động bỏ một cây súng lại nhà. Do đó, bị cáo Vinh chỉ dừng lại ở mức giúp sức", luật sư nói.

Luật sư phân tích nhóm tấn công trước

Hầu hết các luật sư cho rằng, nguyên nhân chính xảy ra vụ việc này có một phần lỗi của phía nhóm bị hại.

Một số luật sư đưa ra quan điểm, khi nhóm của Thái "Bus" xuống khu đất và 2 bên có lời qua tiếng lại. Sau đó, 2 bên đã hẹn nhau ra chính quyền làm việc và nhóm Thái "Bus" ra về.

Trong lúc ra về, có xe của nhóm Khúc Văn Đoài (phía đối phương) chặn đường rồi tấn công nhóm của Thái "Bus" trước, nên nhóm này mới chống trả.

"Nếu nhóm của Đoài không ngăn cản, không tấn công thì không có hậu quả xảy ra", quan điểm của nhiều luật sư khi bào chữa cho các bị cáo thể hiện.

Chiều 27/1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Theo cáo trạng, năm 2022, Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus", 36 tuổi, ngụ TP Phú Quốc) được Phạm Anh Hiếu (34 tuổi, chuyên làm dịch vụ để được cấp giấy tờ đất ở Phú Quốc) "nhờ" bảo kê để đo vị trí mảnh đất 2,2ha đang tranh chấp tại khu vực ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc. 

Sau khi "chốt kèo làm đất 4 tỷ đồng", sáng 27/10/2022, Thái "Bus" huy động hơn 50 giang hồ đi trên nhiều ô tô, mang theo dao, mã tấu, 3 khẩu súng đến khu đất tranh chấp thì đụng độ nhóm của Khúc Văn Đoài (41 tuổi, người có máu mặt ở địa phương) cùng hơn 20 đàn em.

Hai nhóm giang hồ xảy ra cự cãi, xô xát nhau. Lúc này, Đoàn Thiên Long (36 tuổi, đàn em của nhóm Thái "Bus") cầm súng hoa cải bắn nhiều phát về nhóm đối phương khiến 2 người chết, 6 người bị thương.

Liên quan đến vụ án, VKSND tỉnh Kiên Giang truy tố 50 bị cáo tội Giết người, 13 bị cáo tội Gây rối trật tự công cộng; 6 bị cáo tội Che dấu tội phạm; 1 bị cáo tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Ngoài ra, 8 bị cáo bị truy tố tội liên quan Tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.