(Dân trí) - Qua 300 ngày điều tra, truy tố, xét xử, nhà chức trách đã lật tẩy chiêu trò của những người tự xưng pháp danh tu hành tại tư gia được gọi tên Tịnh thất Bồng Lai ở Long An.
300 ngày điều tra - truy tố - xét xử vụ án ở Tịnh thất Bồng Lai
Qua 300 ngày điều tra, truy tố, xét xử, nhà chức trách đã lật tẩy chiêu trò của những người tự xưng pháp danh tu hành tại tư gia được gọi tên Tịnh thất Bồng Lai ở Long An.
Cuối năm 2019, một cô gái 20 tuổi nhận mình tên Diễm My quay clip phát trên Internet nói một lòng hướng phật, muốn đi tu nhưng cha mẹ không đồng tình, tìm mọi cách cấm đoán, giam cầm. Cô tới tu tại "Tịnh thất Bồng Lai".
Cha mẹ cô gái cầm đầu đoàn 50 người tới một hộ dân được gọi là Tịnh thất Bồng Lai ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An gây rối.
Sáng 12/12/2019, trong lúc đang làm việc tại đơn vị, gần chục cán bộ công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, bỗng nghe tiếng la hét, hô hoán của nhiều người trong trụ sở. Họ ra xem và phát hiện nhóm khoảng 8 người mặc đồ tu màu nâu, cạo trọc đầu đang tụ tập, la hét, hô hoán và quay phim trái phép đòi cô gái trẻ Diễm My.
Hôm sau, những người trong hộ bà Cúc đã đăng video, bài viết lên mạng xã hội (Facebook, YouTube) vu cáo Công an huyện Đức Hòa đã bắt cóc, làm mất tích Diễm My.
Đó là những sự việc xảy ra cuối năm 2019 và địa điểm được gọi tên Tịnh thất Bồng Lai bắt đầu gây chú ý. Tiếp đó là hàng loạt diễn biến khiến nhà chức trách vào cuộc, mở ra hành trình 300 ngày điều tra, truy tố xét xử những người tự xưng là người tu hành từ những pháp xưng "trụ trì", "sư thầy"…
Mở đầu, Công an huyện Đức Hòa xác minh việc lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi. Đến cuối tháng 2/2022, vụ án được chuyển cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An điều tra.
Ngày 9/6/2022, VKSND tỉnh Long An đã ban hành cáo trạng truy tố 6/7 bị can ở Tịnh thất Bồng Lai về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, 6 bị can bị truy tố gồm: Lê Tùng Vân (SN 1932, tự xưng là "thầy ông nội"), Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991), Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995), Cao Thị Cúc (SN 1960) và Lê Thanh Nhị Nguyên (SN 1998).
Cơ quan chức năng xác định, năm 2014, bà Cao Thị Cúc từ huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đến ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây mua nhà và chuyển hộ khẩu về đây để xây dựng, sửa chữa làm điểm tu trái phép.
Cáo trạng thể hiện, từ năm 2019 đến 2021, ông Vân đã chỉ đạo Lê Thanh Hoàng Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên, lập nhiều tài khoản YouTube 5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official. Những người này đã biên soạn, dàn dựng, diễn xuất, đăng tải các video có lời nói xuyên tạc giáo lý Phật giáo, xúc phạm danh dự cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ... đăng lên kênh 5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.
Liên quan đến việc nhiều người kéo đến trụ sở Công an huyện Đức Hòa "đòi" Diễm My, Nhất Nguyên đã dùng điện thoại ghi hình sự việc, sau đó đăng lên kênh Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official với nội dung "công an huyện bắt cóc cô gái tên Diễm My". Những người còn lại có vai trò tham gia diễn xuất, phát trực tiếp các video có nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự người khác.
Quá trình điều tra, các bị cáo đều thừa nhận những cáo buộc trên.
Phiên tòa sơ thẩm kịch tính
Trái ngược với những nội dung đã khai nhận tại giai đoạn điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hai ngày 20, 21/7 tại TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cả 6 bị cáo đều phủ nhận các cáo buộc của cáo trạng, kêu oan.
Ông Lê Tùng Vân luôn xuất hiện trước tòa trong tình trạng sức khỏe yếu, trí nhớ không tốt. Các đệ tử của ông Vân là Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Hoàn Nguyên, Trùng Dương và bà Cúc đều thể hiện trí nhớ gặp khó khăn. Riêng ông Vân, với lý do lớn tuổi đã xin vắng mặt ở ngày xét xử thứ hai.
Khi phiên tòa trình chiếu clip vi phạm của các bị cáo, các luật sư bào chữa đề nghị chủ tọa phải đưa ra chứng cứ, biên bản về việc niêm phong và mở vật chứng trước khi đưa clip ra trình chiếu.
Tại phiên tòa này, bị cáo Lê Tùng Vân chỉ thừa nhận mình là người đã đặt tên Tịnh thất Bồng Lai cho hộ bà Cao Thị Cúc và tự đặt pháp danh cho mình là Thích Tâm Đức. Ông này cho rằng bản thân không theo đạo Phật. Bị cáo cũng phủ nhận việc duyệt, tổ chức cho đăng tải các clip phạm pháp và khẳng định: "Đệ tử tôi nó 30, 40 tuổi cả rồi và có trí khôn, thậm chí hơn tôi nữa. Làm sao tôi can thiệp được".
Bị cáo 90 tuổi tự nhận trí nhớ không tốt rồi "khoe" trước tòa bản thân có 2 bằng cử nhân nên không làm gì trái pháp luật.
Tương tự ông Vân, các đệ tử của ông là Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Hoàn Nguyên, Trùng Dương cùng bà Cao Thị Cúc cũng chối tội, hoặc nói bị ép cung.
Tuy nhiên, đại diện Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Long An cho rằng việc giám định các clip trên là hoàn toàn theo đúng quy định yêu cầu HĐXX, nhằm xem xét các hậu quả mà những clip này gây ra khi đăng tải, lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Cơ quan điều tra cũng khẳng định trước tòa không ép cung như lời các bị cáo nói.
TAND huyện Đức Hòa khép lại phiên xử với bản án tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
HĐXX xác định, hành vi của các bị cáo được thực hiện nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng đến an ninh trật tự địa phương. Cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các bị cáo có tổ chức, bàn bạc, thống nhất, phân công vai trò rõ ràng.
Trong đó, bị cáo Lê Tùng Vân có vai trò chủ mưu, cần cách ly khỏi xã hội một thời gian để răn đe. Bị cáo 90 tuổi - là tình tiết giảm nhẹ; nhưng tình tiết tăng nặng là không thành khẩn khai báo, phạm tội hai lần trở lên.
Với vai trò đồng phạm, bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương bị phạt mỗi người 4 năm tù. Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên lĩnh 3 năm 6 tháng tù; bà Cao Thị Cúc nhận 3 năm tù.
Theo HĐXX, thủ tục tố tụng của các cơ quan đúng quy định pháp luật, không có dấu hiệu sai phạm. Các bị cáo khiếu nại nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh. Các bị cáo không thừa nhận hành vi, nhưng các kết luận giám định, lời khai đã thể hiện rõ hành vi phạm tội.
Bản án cấp sơ thẩm một lần nữa khẳng định, từ năm 2019 đến 2021, bị cáo Vân đã chỉ đạo Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên lập tài khoản Youtube 5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official. Các bị cáo đã quay phim, dàn dựng, đăng các video có nội dung ảnh hưởng không tốt đến dư luận, thông tin sai sự thật; xúc phạm danh dự uy tín tập thể, cá nhân, trực tiếp xâm phạm đến Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, thượng tọa Thích Nhật Từ.
Đồng loạt kháng cáo kêu oan
Bị can truy nã ra đầu thú
Trong vụ án này có thêm một bị can là Lê Thu Vân (65 tuổi) cũng bị khởi tố với tội danh nói trên. Bị can này bỏ đi khỏi địa phương khi quá trình điều tra diễn ra, sau đó đã ra đầu thú. Nhóm luật sư của những người ở Tịnh thất Bồng Lai đã có đơn gửi Công an tỉnh Long An đề nghị đình chỉ điều tra bị can đối với bà Vân, vì bà bị bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên mới đây, Công an tỉnh Long An cho rằng chưa có cơ sở xem xét khi bị can Lê Thu Vân chưa thực hiện giám định y khoa theo quy định.
8 ngày sau khi cấp sơ thẩm tuyên án, ông Lê Tùng Vân nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Bị cáo này cho rằng mình già nua, không ra khỏi nhà, suốt ngày nằm võng, kể cả lúc khách tới thăm.
Bị cáo không biết bấm điện thoại, không biết sử dụng mạng xã hội, chỉ lo dạy bảo con cháu cùng tu tập, không lợi dụng dân chủ, nên không có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hay tổ chức, cá nhân nào...
Bị cáo Lê Tùng Vân khẳng định mình không mạo nhận là đức Phật, không mạo danh đức Phật, không phỉ báng đạo Phật, không xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cũng không xúc phạm Công an huyện Đức Hòa.
Ông này cho rằng mình và một số người ở Tịnh thất Bồng Lai là nạn nhân bị làm nhục và bị vu khống trong thời gian dài, rất thậm tệ.
Bị cáo 90 tuổi yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, tuyên ông và các đệ tử của mình không phạm tội, trả tự do, đình chỉ vụ án...
Tiếp đó, từ nơi bị tạm giam, ngày 21/8, 5 bị cáo còn lại cũng kháng cáo.
Tội Loạn luân chưa có hồi kết
Trưa 1/11, lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc.
Theo điều tra bổ sung, nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai do ông Lê Tùng Vân cầm đầu, được xác định có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số tổ chức, cá nhân. Số tiền chiếm đoạt đang được cơ quan điều tra tổng hợp.
Ngoài ra, liên quan vụ việc, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đang điều tra dấu hiệu của tội Loạn luân. Để thực hiện các bước điều tra, cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định 28 người, bao gồm cả trẻ em thời gian qua sinh sống tại cơ sở tu tập tự phát này.
Lý giải việc lấy mẫu xác định ADN, nhà chức trách cho hay thời gian qua, có những tin báo, tố giác cho rằng những đứa trẻ ở Tịnh thất Bồng Lai không phải là trẻ mồ côi như Lê Tùng Vân và những người lớn sinh sống tại đó thông tin.
Cuối tháng 10, kết quả giám định đã được gửi tới những người liên quan tại Tịnh thất bồng lai song ông Lê Tùng Vân đã từ chối nhận.
"Khi cơ quan điều tra đến Tịnh thất Bồng Lai để tống đạt kết quả giám định ADN thì ông Lê Tùng Vân đóng cửa, không hợp tác. Cơ quan điều tra đã mời chính quyền địa phương đến lập biên bản về vụ việc. Cơ quan điều tra đã tống đạt kết quả trên đến các bị cáo đang bị tạm giam", nguồn tin cho hay.
Song song với cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, ngày hôm nay (2/11), vụ án bước vào giai đoạn xét xử phúc thẩm các bị cáo ở tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
3 năm tạo sóng trên mạng xã hội trước khi bị khởi tố
Cụm từ "Tịnh thất Bồng Lai" bắt đầu được dư luận nhắc tới vào năm 2017 khi hai nam thí sinh tự xưng là thầy tu là Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991) đã tham dự chương trình "Tuyệt đỉnh song ca". Hai người này còn có nhiều clip hát những ca khúc Bolero đăng tải trên mạng, trong đó có clip đạt cả triệu lượt xem.
Sau đó, theo báo chí đưa tin, Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An khẳng định: "Hai người có tên Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên được giới thiệu là đang tu tại chùa Bồng Lai (Đức Hòa, Long An) là những danh xưng tự phong".
Hai thí sinh này sau đó đã quyết định dừng cuộc thi.
Đến năm 2018, 5 bé trai được gọi là 5 "chú tiểu" của Tịnh thất Bồng Lai gây "sốt" khi tham gia chương trình Thách thức danh hài mùa thứ 5. Tại đây, tiểu phẩm thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh của 5 "chú tiểu" đã giành phần thưởng tổng cộng 300 triệu đồng.
Cuối năm 2019, Tịnh thất Bồng Lai khiến dư luận cả nước quan tâm với sự việc hơn 50 người xông vào tìm một cô gái trẻ tên Diễm My, xô sát gây thương tích cho "sư thầy".
Từ đây, nhiều tranh cãi cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Tháng 11/2021, Thượng tọa Thích Nhật Từ từng chia sẻ với báo chí: "Nếu vấn đề của Tịnh thất Bồng Lai không được giải quyết, hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng".
Ngày 5/11, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng trả lời báo giới nhận định, vụ việc cơ sở Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu của việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Theo ông Trọng, Tịnh thất Bồng Lai thực chất là cơ sở gia đình riêng, do bà Cao Thị Cúc xây dựng, sau đó tự ý chuyển tượng Phật, đồ thờ cúng vào, biến nơi này thành cơ sở thờ tự bất hợp pháp.
Nội dung: Phi Vũ - Lâm Hà
Đồ họa: Thủy Tiên