Từ vụ "Tịnh thất Bồng Lai": Phục hồi điều tra vụ án dựa trên căn cứ nào?

Theo Luật sư, phục hồi điều tra là một giai đoạn đặc biệt của quá trình điều tra và chỉ xuất hiện khi có những tình tiết đặc biệt và trước đó cuộc điều tra đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.

Mới đây Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An đã quyết định phục hồi giải quyết tin báo tố giác tội phạm của tổ chức, cá nhân về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) ở "Tịnh thất Bồng Lai" và một số cá nhân liên quan. Nhiều người đặt câu hỏi, pháp luật quy định ra sao về căn cứ, thời hạn phục hồi điều tra?

Theo CQĐT, thời gian qua có những tin báo, tố giác cho rằng những đứa trẻ ở "Tịnh thất Bồng Lai" không phải là trẻ mồ côi như ông Lê Tùng Vân và những người lớn sinh sống tại đây khẳng định.

Những đứa trẻ này có mối quan hệ huyết thống với những người lớn đang sinh sống cùng tại đây và những người ở "Tịnh thất Bồng Lai" đã giả mạo nuôi trẻ mồ côi để lừa gạt, nhận tài trợ, chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, CQĐT đã tiến hành lấy mẫu của trẻ em và người lớn thời gian qua sinh sống tại đây để xác định ADN xem có mối quan hệ thân thích hay không.

Bên cạnh đó, CQĐT cũng nhận đơn thư tố cáo một số người sống tại "Tịnh thất Bồng Lai" về 3 hành vi: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Loạn luân; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, TAND huyện Đức Hòa, Long An đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ vụ Tịnh thất Bồng Lai: Phục hồi điều tra vụ án dựa trên căn cứ nào? - 1

 Bị cáo Lê Tùng Vân đã bị tuyên phạt 5 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Còn với tin báo tố cáo về 2 hành vi loạn luân và lừa đảo, CQĐT đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, phục hồi điều tra là một giai đoạn đặc biệt của quá trình điều tra. Giai đoạn này chỉ xuất hiện khi có những tình tiết đặc biệt và trước đó cuộc điều tra đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ do hết thời hạn điều tra chưa chứng minh được tội phạm. 

Về căn cứ phục hồi điều tra vụ án hình sự, theo Khoản 1 Điều 235 Bộ luật TTHS 2015, khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì CQĐT ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì CQĐT hoặc Viện Kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra.

Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, CQĐT phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, về nguyên tắc, thẩm quyền ra quyết định phục hồi điều tra thuộc CQĐT. Tuy nhiên, nếu việc điều tra trước đây bị đình chỉ dựa trên các căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì CQĐT hoặc Viện Kiểm sát cùng cấp đều có quyền ra quyết định phục hồi điều tra.

Quy định về phục hồi điều tra là sự thể hiện trên thực tế nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan trong tố tụng hình sự. Nó cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng có điều kiện để khắc phục những sai sót có thể có trong quá trình khám phá vụ án hình sự bởi những lý do khác nhau.

Về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, Điều 174 Bộ luật TTHS 2015 nêu rõ, trường hợp phục hồi điều tra theo Điều 235 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 3 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.

Theo www.anninhthudo.vn