2 em gái Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã nộp khắc phục bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - Bị cáo buộc giúp sức tích cực cho ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC), 2 em gái của Chủ tịch FLC là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế mới nộp khắc phục mỗi người 100 triệu đồng.
Trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, VKSND Tối cao truy tố 50 bị can với nhiều tội danh như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Cáo trạng cáo buộc, bằng nhiều thủ đoạn, ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan chức năng ghi nhận ông Quyết đã nộp khắc phục gần 190 tỷ đồng.
Bị cáo buộc giúp sức tích cực cho ông Quyết, 2 em gái của Chủ tịch FLC là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế mới nộp khắc phục mỗi người 100 triệu đồng.
Trong đó, Huế và Nga trực tiếp giúp ông Quyết chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu ROS và thao túng 4 mã chứng khoán HAI, GAB, ART, FLC giúp anh trai thu lời bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Người nộp tiền khắc phục nhiều thứ 2 là Nguyễn Thanh Bình (cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC), với số tiền hơn 2,65 tỷ đồng.
Ông Bình bị cáo buộc giúp ông Quyết đứng tên cổ đông; ký biên bản, Nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng 80 triệu cổ phần của các cổ đông Công ty RTS, hợp thức nâng khống vốn góp tại Công ty Faros, giúp ông Quyết chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Trần Thế Anh bị cáo buộc giúp Chủ tịch FLC đứng tên là cổ đông góp vốn để hợp thức hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Sau khi tăng vốn, Thế Anh tiếp tục ký Hợp đồng/giấy chuyển tiền để che giấu số vốn góp khống; giúp ông Quyết niêm yết cổ phiếu ROS rồi bán thu lời bất chính. Bị can này hiện được ghi nhận đã nộp khắc phục 1,1 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thiện Phú (Phó Tổng giám đốc kiêm kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng FLC Faros) bị cáo buộc giúp ông Quyết đứng tên là cổ đông góp vốn, ký các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh, chứng từ chuyển tiền để hợp thức nâng khống vốn góp tại Công ty Faros. Từ đó, ông Quyết niêm yết được cổ phiếu ROS và bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Đến nay, cáo trạng cho biết ông Phú đã nộp khắc phục hơn 260 triệu đồng.
Ngoài ra, có nhiều bị can khác cũng đã chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án, số tiền từ 20 triệu đồng đến gần 600 triệu đồng mỗi người. Tổng số tiền khắc phục hậu quả được cơ quan công tố ghi nhận là hơn 195 tỷ đồng.