Xít-đờ-ca đổi đời!

Xưa, tiếng “bành bạch” của xe xít-đờ-ca khi các bác trật tự Phường đi dẹp chợ chỉ khiến cánh bán hàng rong phố cổ Hà Thành khiếp vía, nay, bỗng dưng lại thành một thứ tiếng êm tai làm mê mẩn giới chơi xe. Lạ thế!

Thế nhưng, với dân mê xe chuyện chẳng có gì lạ!

 

Cách đây không lâu, một tờ báo lớn đã đăng tải câu chuyện rất cảm động về anh Vũ Đức Chiến, một kiến trúc sư người Hà Thành, đã mất cả mười năm theo đuổi giấc mơ sở hữu một chiếc xe ba bánh Ural - thứ xe vốn chẳng còn được trọng, thường dầu mỡ nhoe nhoét, lăn lóc ngoài cửa chợ - và cuối cùng anh cũng toại nguyện giấc mơ khi được một cựu chiến binh 70 tuổi tặng lại! Thật chuyện chỉ có dân mê xe mới hiểu, ai đi mơ chiếc xe như vậy?

 

Thế nhưng, cái kết thật hậu ấy đã làm ấm lòng cả giới mê xe trên mạng. Đã chơi xe, ai chả muốn mình được vậy đôi lần?

 

Cũng nhờ đó, nay anh Chiến đã có thể giao du với các bạn trong Nam, ngoài Bắc có cùng thú vui đôi lúc tung tẩy cưỡi xe ba bánh, loại thông dụng do Liên Xô cũ sản xuất là Ural M67 - khắc tinh của các bà, các cô hàng rong “trộm” một thời! Cộng đồng chơi xe “oái oăm” này ở cả Hà Nội và Sài Gòn nay đã lên tới cả trăm người.

 

Xe xít-đờ-ca tại Việt Nam chủ yếu có hai nhãn hiệu: Ural do Nga sản xuất và Dnepr của Ukraina. Còn số ít khác là Jawa của Tiệp Khắc, IZH của Nga; số hiếm và rất đắt tiền là của BMW với mức giá đều trên 10 ngàn USD. Tên gọi xít-đờ-ca bắt nguồn từ chữ “sidecar”, xe ba bánh có thuyền trong tiếng Anh. Xít-đờ-ca chủ yếu được sử dụng trong các lực lượng vũ trang như Công an hay Bộ đội và đa phần là loại Ural M67 hoặc Dnepr; tuy nhiên, đôi khi vẫn có hàng hiếm như Trường Giang, Ural M72, M63 và M66.

 

Xít-đờ-ca đổi đời!  - 1
 Một chiếc Dnepr

 

Xít-đờ-ca đổi đời!  - 2
 Một chiếc Trường Giang 750, của hiếm do Trung Quốc sản xuất và mang hình hài của chiếc BMW R71

 

Xít-đờ-ca thực tế được dân chơi xe Hà Thành “để mắt” tới từ cuối những năm 1996-1998. Thời điểm này xe xít-đờ-ca thường được bán dưới dạng như đồ thanh lý của các lực lượng vũ trang. Và ngoài việc được tháo dỡ lấy sắt vụn, chiếc Ural vẫn còn được trọng dụng cho việc “chế” các loại xe lam, xe kéo tại Văn Điển hay đường 70 ở Hà Đông.

 

Nhưng rất nhanh sau đó, loại động cơ 650cc 2 xy-lanh đối xứng ngang của Ural đã phải nhường chỗ cho loại động cơ diesel nhỏ của Trung Quốc do bộc lộ điểm yếu máy nóng (làm mát gió), tốn xăng, đồ ngày một ít và khó “chế”. Lúc này mới là cơ hội cho các tay chơi nghèo: giá chiếc Ural M67 nguyên thuyền chỉ 2,5 triệu đồng, trong khi dỡ máy bán nhôm đã được 400 ngàn đồng! Quá hời, “nghịch” chán bán sắt vụn vẫn còn thừa vốn!

 

Hà Nội thời gian đó chỉ có phố Phủ Doãn là tụ hội dân chơi xe. Và những chiếc Ural đầu tiên chạy ở phố này là của Trường Râu - chỉ để chạy đồ sửa xe; cùng một chiếc xít-đờ-ca “nham nhở” khác của Dũng Láu - thành viên khá “khùng” của CLB Mô-tô Hà Nội. Thế nhưng, cũng rất nhanh sau đó, chiếc xe ba bánh đậm chất thô ráp “rất Liên Xô” lại là mục tiêu săn đuổi của giới chơi xe Hà Nội. Và giá hiện tại của một chiếc Ural M67 “tươm tất” lên tới 30, 40 triệu đồng! Hết thời xít-đờ-ca cho các tay chơi nghèo!

 

Trào lưu chơi xít-đờ-ca trong Sài Gòn cũng “rục rịch” vào thời gian 1998-2000. Do đặc thù giới chơi trong này có nhiều lựa chọn hơn với các loại xe cổ của Mỹ, Pháp, Nhật xưa để lại nên chỉ có một số người chơi “thích của lạ” là tìm đến Ural; trong số đó có thể kể đến Hùng Bay, Tư Gà Lôi hay một số tay chơi chỉ thích ẩn danh như Linh Amateur, Diên VW…vv.

 

Xít-đờ-ca đổi đời!  - 3

 Cộng đồng chơi xít-đờ-ca tại Sài Gòn đã lên tới hàng trăm người

 

Xít-đờ-ca đổi đời!  - 4
  Xít-đờ-ca trang trọng trong đám cưới của một thành viên CLB Sidecar Sài Gòn

 

Và cũng chẳng kém Hà Thành, dân chơi xít-đờ-ca Sài Gòn nay đã lên tới hàng trăm; thậm chí, họ còn lập cả hội chơi: Sài Gòn Sidecar Club. Có điều, ở đây, xít-đờ-ca cũng không còn là lựa chọn cho các tay chơi nghèo, giá xe tại Sài Gòn còn đắt hơn ở Hà Nội: trong khoảng từ 2 đến 4 ngàn USD cho một chiếc Ural hoặc Dnepr.

 

Đã có lúc xít-đờ-ca là giải pháp “xe lớn” cho giới mê xe ít tiền.

 

Thế nhưng, giờ xít-đờ-ca đã trở thành món chơi có chút mùi xa xỉ.

 

Thôi nhé, thời xít-đờ-ca cho các tay chơi nghèo đã hết!

 

Xít-đờ-ca đã đổi đời!

 

Kar

Ảnh: Sài Gòn Sidecar Club, ttvnol.com