Xe "full hybrid" và "mild hybrid" có gì khác biệt?
(Dân trí) - Ngày nay, ô tô sử dụng động cơ lai, hay xe hybrid, không còn là một khái niệm xa lạ, nhưng không nhiều người hiểu rõ sự khác nhau giữa xe full hybrid và xe mild hybrid.
Trên thị trường ngày càng có nhiều xe hybrid, từ thể loại sedan đến SUV và gần đây là cả bán tải; cũng ngày càng nhiều người tiêu dùng từ xe chạy bằng xăng/dầu truyền thống sang xe hybrid.
Hầu hết mọi người đều hiểu xe hybrid, đúng như tên gọi, là xe sử dụng kết hợp động cơ đốt trong với mô-tơ điện, nhằm tăng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu và giảm khí thải. Tuy nhiên, cùng là xe hybrid nhưng có khá nhiều loại, gồm full hybrid, mild hybrid, plug-in hybrid (PHEV) và range extender (REX).
Full hybrid
Xe full hybrid, hay còn gọi là 'parallel hybrid', sử dụng cùng lúc hoặc riêng rẽ động cơ đốt trong và mô-tơ điện để truyền động. Đây là loại xe hybrid phổ biến nhất, với mô-tơ điện nằm trong hệ truyền động, nên xe có chế độ chạy hoàn toàn bằng điện.
Xe full hybrid thường chỉ có thể chạy hoàn toàn bằng điện ở tốc độ thấp và quãng đường ngắn, do pin xe nhỏ. Bù lại, bộ pin kích thước nhỏ có thời gian sạc ngắn. Một số hãng quảng cáo rằng xe full hybrid, như Toyota Prius, có khả năng tự sạc điện, nhưng thực tế là động cơ xăng giúp sạc pin cho mô-tơ điện.
Vì mô-tơ điện chỉ đóng vai trò hỗ trợ nên người dùng cũng không cần phải lo lắng về việc xe hết pin giữa đường. Khi pin cạn, xe sẽ tự động chuyển sang chế độ chạy bằng xăng, dầu.
Toyota hiện vẫn là nhà sản xuất ô tô dẫn đầu về xe hybrid, với các dòng như Prius, Corolla, Yaris, và RAV4.
Mild hybrid
Xe mild hybrid cũng sử dụng mô-tơ điện kết hợp với động cơ đốt trong, nhưng không cái nào hoạt động riêng rẽ được. Thay vào đó, mô-tơ điện cỡ nhỏ chỉ có vai trò hỗ trợ động cơ đốt trong. Về cơ bản, đây là công nghệ hybrid rẻ nhất, do kết cấu động cơ đơn giản hơn và hiệu quả về mặt tiết kiệm năng lượng cũng như gia tăng công suất không đáng kể.
Thông qua bộ máy phát - khởi động (BAS), hệ thống mild hybrid cho phép động cơ phục hồi năng lượng thông qua phanh rồi truyền vào pin. Nguồn năng lượng này sau đó có thể được sử dụng khi xe xuống dốc hoặc giúp hệ thống stop-start vận hành trơn tru.
Có thể liệt kê ra một số ví dụ như phiên bản mild hybrid của các xe Audi A8, Hyundai Tucson (ảnh trên), Suzuki Swift, Volvo XC40...
Ngày nay, các nhà sản xuất cũng phát triển hệ thống hybrid không phải để hỗ trợ động cơ vận hành xe, mà giúp tiết kiệm nhiên liệu thông qua việc phục hồi động năng để cung cấp năng lượng cho các hệ thống cấp điện phụ trợ trên xe.
Hybrid sạc điện (Plug-in hybrid - PHEV)
Xe hybrid sạc điện, đúng như tên gọi, có thể sạc pin bằng nguồn điện bên ngoài. Công nghệ này đưa khái niệm xe hybrid tiến gần hơn đến xe chạy điện hoàn toàn. Theo đó, xe dùng bộ pin lớn hơn, nên so với xe full hybrid thì có khả năng di chuyển quãng đường xa hơn chỉ với mô-tơ điện.
Với những người mỗi ngày thường chỉ đi dưới 45 km thì xe hybrid sạc điện hầu như không khác xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là một khảo sát gần đây cho thấy nhiều chủ xe hybrid sạc điện chưa tận dụng hết ưu điểm của công nghệ này và sử dụng như xe ô tô thông thường, hiếm khi sạc pin cho xe. Làm như vậy sẽ khiến xe hybrid sạc điện có hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu còn kém cả xe chạy xăng hoặc dầu bình thường, do xe phải gánh trọng lượng của hệ thống hybrid.
Có thể nêu ví dụ một số xe hybrid sạc điện như Hyundai Ioniq PHEV, Toyota Prius PHV, Mitsubishi Outlander PHEV, Mini Countryman S E PHEV hay Porsche Panamera Turbo S E-Hybrid.
Xe range extender (E-REV hay REX)
Đây cũng là một loại xe hybrid, nhưng chỉ có mô-tơ điện vận hành xe, còn động cơ xăng (đôi khi là diesel) chỉ đóng vai trò là máy phát điện, để xe có thể chạy thêm một quãng khi chưa có ngay trạm sạc.
Một ví dụ điển hình của công nghệ hybrid này là chiếc BMW i8 (ảnh trên). Ngoài ra còn có Vauxhall Ampera và Chevrolet Volt. Tuy nhiên, tất cả các xe này hiện đã bị khai tử, do sự tiến bộ của công nghệ xe chạy điện và tốc độ mở rộng của mạng lưới trạm sạc pin khiến cho việc xe phải gánh thêm trọng lượng của động cơ xăng hỗ trợ sạc pin trở thành nhược điểm.