Xe "đắp chiếu" bởi dịch bệnh, giãn cách, sao còn phải nộp phí đường bộ?
Nhiều chuyên gia và độc giả cho rằng, trong thời gian các phương tiện buộc phải "nằm im" bởi lệnh giãn cách xã hội thì việc chủ xe vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ là không hợp lý.
Cố lết xe đi đăng kiểm, rồi lại mang về cất
Rất nhiều ý kiến tán thành chủ trương miễn truy thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô mua thanh lý theo Thông tư 70/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính (Thông tư 70) có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia và độc giả cũng cho rằng, phạm vi thay đổi của quy định mới trong Thông tư 70 vẫn quá hẹp, chủ yếu nhằm vào đối tượng mua xe thanh lý vốn chỉ chiếm số lượng khiêm tốn, trong khi hàng triệu phương tiện đang phải "đắp chiếu" bởi dịch bệnh thì chưa được đề cập tới.
Anh Phạm Thành Luân (31 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang sử dụng chiếc ô tô con hiệu Toyota Wigo. Xe của anh đã hết hạn đăng kiểm từ cuối tháng 7 nhưng chưa thể mang xe đi kiểm định đúng hạn được bởi lệnh giãn cách xã hội, anh cũng chuyển sang làm việc online tại nhà nên không dùng đến xe.
Gạt qua lo lắng dịch bệnh, cách đây vài hôm, anh vẫn quyết định mang xe đi đăng kiểm ở một trạm gần nhà cho yên tâm. Dù rằng sau khi đăng kiểm về, xe của anh lại tiếp tục "đắp chiếu", chưa biết đến khi nào mới được đi lại bình thường.
Ngoài phí kiểm định, bảo hiểm bắt buộc, phí sử dụng đường bộ cho 1 năm theo chu kỳ đăng kiểm thì anh Luân còn phải nộp thêm tiền phí sử dụng đường bộ cho thời gian quá hạn gần 2 tháng là hơn 200 nghìn đồng.
"Khoản tiền phí sử dụng đường bộ phải nộp thêm không quá lớn. Tuy nhiên, xe không ra đường mà vẫn phải nộp phí sử dụng đường bộ theo tôi là không hợp lý", anh Phạm Thành Luân nêu ý kiến.
Còn trường hợp của anh Đặng Ngọc Hải (39 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) có phần "chát" hơn. Anh đang có 2 chiếc xe du lịch, một chiếc 29 chỗ và một chiếc 45 chỗ. Cả hai chiếc xe này của anh đã phải "khóa bánh" trong bãi xe hơn 3 tháng nay.
"Cánh lái xe khách du lịch như chúng tôi hơn một năm qua đã rất kiệt quệ vì hầu như không ai thuê, cả xe và người phải nằm im. Ô tô không sử dụng vẫn tốn kém rất nhiều chi phí, từ tiền gửi xe đến sửa chữa, bảo dưỡng. Trong khi đó, đến kỳ là lại phải mang xe đi đăng kiểm và nộp phí sử dụng đường bộ,… hết cả chục triệu đồng", anh Hải giãi bày.
Lái xe này cho biết, riêng phí sử dụng đường bộ cho riêng 2 chiếc xe này là gần 1 triệu đồng/tháng (xe 29 chỗ là 390 nghìn/tháng và xe 45 chỗ là 590 nghìn/tháng). Đầu tháng sau, cả 2 chiếc xe đều đến hạn đăng kiểm và nộp phí sử dụng đường bộ, nỗi lo của người đàn ông này càng đến gần.
"Bộ Giao thông vận tải cần có chính sách miễn trừ loại phí sử dụng đường bộ này trong thời gian dịch bệnh vì xe của chúng tôi đâu có được sử dụng đường bộ tý nào đâu? Điều này cũng là góp phần giúp cho những lái xe như chúng tôi bám trụ qua dịch, đỡ cảnh phải phá sản, bán xe", anh Hải chia sẻ.
Miễn trừ phí sử dụng đường bộ là hợp lý, hợp tình
Hà Nội và TP. HCM là hai trong rất nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Điều này khiến lượng phương tiện quá hạn đăng kiểm, đồng thời chưa nộp phí sử dụng đường bộ tăng cao.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến đầu tháng 9/2021, TPHCM đang có hơn 20.000 ô tô dưới 9 chỗ quá hạn đăng kiểm từ 1 đến 3 tháng. Con số này ở Hà Nội đang là xấp xỉ 14.000 xe và còn tiếp tục tăng nhanh.
Đây được xem là số lượng xe quá hạn đăng kiểm kỷ lục trong nhiều năm qua mà lý do chủ yếu là bởi lệnh giãn cách xã hội, mặc dù hầu hết trung tâm đăng kiểm tại các địa phương này vẫn được hoạt động.
Trên thực tế, những trường hợp như anh Luân, anh Hải được nêu ở trên không phải hiếm gặp. Theo nhiều chuyên gia, những đề xuất của các lái xe liên quan đến việc miễn phí sử dụng đường bộ là rất có lý, cần được quan tâm, xem xét.
GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, hiện nay, trừ những xe "luồng xanh" và ô tô của đội ngũ chống dịch, hầu hết phương tiện cá nhân đều không được khuyến khích ra đường. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải nên sớm cân nhắc miễn phí sử dụng đường bộ cho các xe cá nhân đang bị dừng hoạt động.
Tuy vậy, vị chuyên gia giao thông này cho rằng, nếu làm đại trà kiểu "cào bằng" với phạm vi toàn quốc thì không nên. Cần cân nhắc đến đặc điểm về dịch bệnh của các địa phương, từ đó có các mức miễn giảm phí sử dụng đường bộ cho hợp lý.
Ví dụ như địa phương nào áp dụng Chỉ thị 16 thì miễn phí; địa phương áp dụng Chỉ thị 15 thì giảm 75% còn các địa phương khác giảm 50%. Thời gian miễn giảm sẽ tính (có làm tròn) bằng thời gian áp dụng các chỉ thị.
"Giống như các trạm thu phí đường bộ; rồi điện, nước, viễn thông,… đều đang miễn hoặc giảm giá để hỗ trợ người dân chống dịch, thì việc miễn giảm phí sử dụng đường bộ đối với ô tô buộc phải nằm một chỗ là hợp lý - hợp tình", GS.TS Sùa nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với những phương tiện thuộc diện được miễn phí sử dụng đường bộ theo quy định hiện hành như xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải không thể hoạt động được thì cần sớm có hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa thủ tục khi các xe này tới hạn đăng kiểm.
Phí sử dụng đường bộ theo quy định hiện hành với một số loại phương tiện như sau:
- Mức 130.000 đồng/tháng: Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân;
- Mức 180.000 đồng/tháng: Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ;
- Mức 270.000 đồng/tháng: Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg;
- Mức 390.000 đồng/tháng: Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg;
- Mức 590.000 đồng/tháng: Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg.