Xe cũ nhập khẩu và những cái “nhất”

Tổng số xe cũ nhập khẩu sau 3 tháng kể từ Nghị định 12 có hiệu lực là 96 chiếc, gồm chủ yếu xe hạng sang và xe hạng nhỏ. Trong đó, cảng Sài Gòn được coi là đất lành khi đón tới 55% số xe cũ nhập khẩu. Mác xe cũ được ưa chuộng nhất là BMW với 23 chiếc các loại.

Xe cũ được nhập rải rác trong tháng 5 và tăng đều lên mức 20-30 xe/tháng trong thời gian sau đó. Theo nguồn tin riêng, ngoài 96 chiếc xe đã chính thức thông quan còn khoảng 40 chiếc nữa đang làm thủ tục khai báo. Như vậy, nếu số xe này rời cảng trong tháng 8, số lượng xe cũ nhập khẩu sẽ tăng lên mức ít nhất 40 chiếc/tháng. Những doanh nghiệp đi tiên phong nhập xe cũ như Tradoco, Vĩnh Hoàng vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.

 

Mác xe được “chuộng” nhất: BMW

 

23 chiếc trong tổng số 96 xe cũ nhập khẩu là sản phẩm của BMW, chiếm 24%. Sản phẩm chủ yếu được các doanh nghiệp nhập về là dòng sedan hạng sang serie 5 và hạng sang cao cấp serie 7. Nổi bật nhất là lô hàng 3 chiếc 750Li (phiên bản sedan cao cấp có trục cơ sở dài) do công ty Tradoco cập cảng Sài Gòn từ Đức, giá khai báo 32.000-38.500 USD.

 

Mẫu xe về nhiều nhất: Kia Morning

 

Sau khi chiếc Kia Morning nhập khẩu đầu tiên nhanh chóng có chủ, một doanh nghiệp Hà Nội đã mạnh dạn đưa 13 chiếc Morning đời 2004-2005 khác cập cảng Hải Phòng từ Hàn Quốc. Giá khai báo cho từng chiếc là 1.360 USD và Cục Hải quan Hải Phòng đã đồng loạt nâng mức giá áp thuế lên 1.700 USD. Đứng sau Kia Morning là 10 chiếc xe đa dụng 7 chỗ Toyota Sienna do hai công ty Tradoco và Vinh Quản nhập về TPHCM theo 2 cảng, Sài Gòn KV3 và Sài Gòn KV1.

 

Cảng tiếp nhận nhiều xe nhất: TPHCM

 

Trong đó, cảng Sài Gòn KV3 thông quan cho 31 chiếc và cảng Sài Gòn KV1 21 xe. Tất cả các xe cập cảng TPHCM đều thuộc dòng xe hạng sang hay liệt vào hàng “độc”. Phía bắc, cảng Hải Phòng là nơi duy nhất xe cập cảng với 36 chiếc còn Quảng Ninh vẫn vắng bóng xe cũ cho tới nay.

 

Xe có khoảng áp giá cao nhất: BMW 730d

 

Hai chiếc BMW 730d (chạy dầu) đời 2004 do một công ty nhập cảng Đà Nẵng có giá khai báo vỏn vẹn 6.768 USD. Sau khi tính toán, Cục Hải quan Đà Nẵng nâng giá tính thuế lên 30.000 USD, nhiều hơn 23.232 USD và cao gấp gần 4,5 lần. Như vậy, sau khi tính toán, số thuế mà doanh nghiệp này phải nộp thêm là hơn 15.000 USD mỗi xe.

 

Ngược lại, chỉ có 8 xe được hải quan các cảng chấp nhận giá khai báo và trong số đó là lô hàng 3 chiếc hạng sang Mercedes ML-class của công ty Tradoco.

 

Xe đắt nhất theo đánh giá của hải quan: BMW 750Li

 

Hai chiếc 750Li đời 2005 do công ty Tradoco nhập về từ Đức có giá khai báo 38.500 USD và 37.500 USD được Cục Hải quan TPHCM áp mức giá cao nhất, 44.000 USD. Một chiếc 750Li đã đi 10.295 km và chiếc còn lại đi 11.848 km.

 

Doanh nghiệp tích cực nhất: Tradoco

 

Tradoco là doanh nghiệp có số xe nhập cao nhất, 24 chiếc và nếu không kể 3 xe Toyota Sienna hạng bình dân, toàn bộ số xe mà công ty này nhập đều là xe dòng cao cấp đắt tiền gồm: 5 chiếc Mercedes thuộc dạng “độc” ở Việt Nam như R350, R500, 3 xe ML350 cùng một “con” Acura RL và Infiniti M35. Bên cạnh đó là 3 chiếc BMW 750Li, một BMW X5, 2 xe 525i, một 530i và 7 chiếc Lexus. Tradoco có nguồn hàng đa dạng nhất, từ Mỹ tới Đức và sang Nhật.

 

Nguồn cung dồi dào nhất: Mỹ

 

Tổng số xe mà các công ty qua Mỹ đưa về Việt Nam là 32 chiếc, chiếm 33%. Đứng thứ 2 sau đó là Đức với 29 xe. Có một sự phân hóa rõ khi dòng xe đa dụng như Honda Odyssey, Toyota Sienna chủ yếu xuất từ Mỹ còn dòng xe hạng sang như Mercedes, BMW lại có xuất xứ ở Đức. Thị trường Nhật là nơi cung cấp chính xe Lexus (chiếm 80%) và Hàn Quốc dành cho xe hạng nhỏ như Kia Morning, Daewoo Matiz và Kia Visto.

 

Theo T.Nghiệp-M.Khuyên

Vnexpress