Xe container ép văng chiếc SUV vào mũi xe tải để vượt trên đường cao tốc

Nhật Minh

(Dân trí) - Dù lý do là gì, việc chèn ép xe khác như tài xế xe container trong clip rất nguy hiểm, có thể dẫn tới việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tình huống xảy ra vào chiều 27/6 trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành, đoạn gần nút giao Vành đai 2. 

Hình ảnh do camera hành trình của xe chạy phía sau ghi lại cho thấy xe container đã chạy vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc, vượt lên ép chiếc SUV tạt vào mũi xe tải đang chạy ở làn ngoài cùng bên trái.

Xe container hung hăng ép văng chiếc SUV vào mũi xe tải để vượt trên đường cao tốc (Video: OFFB).

Làn dừng xe khẩn cấp (hay được gọi tắt là "Làn khẩn cấp") là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc, được ngăn cách bằng vạch liền màu trắng. Làn đường này được thiết kế để khi gặp sự cố, các xe có thể tấp vào đó và dừng lại, không gây ảnh hưởng đến giao thông. 

Điểm c Khoản 1 Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc.

Người lái sẽ chỉ được dừng ở làn đường này nếu gặp trường hợp khẩn cấp, bao gồm: xe bị hư hỏng, thủng lốp xe; trục trặc phần rơ-moóc của xe, hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe, không thể tiếp tục lái xe.

Ngoài ra, các phương tiện ưu tiên bao gồm xe cứu thương, xe cứu hỏa hoặc xe quân sự trong các trường hợp khẩn cấp được phép đi vào làn đường này. 

Theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi vào làn dừng xe khẩn cấp gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt lên tới 15 năm tù.

Theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, quy định cụ thể như sau:

- Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

+ Không có giấy phép lái xe theo quy định;

+ Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

+ Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

+ Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

+ Làm chết 2 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Làm chết 3 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

- Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.