Xe cổ Hà Thành (II): “Gả” xe lấy biệt thự, 14 năm đi tìm

Anh Vinh “Tân Đảo” cũng không nhớ chính xác cái duyên đến với xe cổ từ năm nào. Chỉ biết sau khi từ quân ngũ trở về, đi buôn máy khâu, sau đó có chút vốn liếng, anh bắt đầu đi tìm lại “đứa con lưu lạc” - xe cổ, và cũng mê xe từ đó.

“Vì xe nên phải đánh đường tìm xe”

 

Một ngày ngồi trò chuyện với Vinh “Tân Đảo” mới hiểu được dân chơi xe cổ kỳ công và cũng... chịu chơi hết cỡ. Có những chiếc xe người dân không thể sử dụng đem vứt đi, nhưng với dân chơi xe cổ đó lại là “báu vật”. Họ có thể bỏ thời gian cả tháng để đi “săn” xe. Khi có được xe lại mất không ít thời gian để tìm phụ tùng.


Xe cổ Hà Thành (II): “Gả” xe lấy biệt thự, 14 năm đi tìm - 1
Hai chiếc trong bộ sưu tập xe máy cổ của anh Vinh

Sở dĩ Vinh có trong tay bộ sưu tập nhiều xe cổ không chỉ vì anh chịu chơi mà anh còn có cách “săn” xe rất bài bản. Biết được những năm 1950, Việt kiều từ Pháp trở về nhiều và hầu như ai cũng mang theo xe máy. Lấy danh sách từ bố mình, Vinh bắt đầu dò hỏi và thế là từng chiếc xe cổ, độc đáo cứ lần lượt về với anh.

 

Không chỉ trong nước, Vinh còn sang tận Trung Quốc, Campuchia, Lào... để tìm xe. Có những lần đi thành công nhưng cũng có chuyến về tay trắng, thậm chí bị lừa. Nhưng “có công mài sắt có ngày nên kim”, trải qua bao gian nan vất vả, Vinh đã có được những chiếc xe cổ mà có thể trên thế giới cũng thuộc loại hiếm.

 

Quán cà phê của Vinh không chỉ có dân chơi xe cổ mà rất đông người nước ngoài cũng tìm đến. Các đoàn làm phim lịch sử cũng tìm Vinh. Chính nhờ những chiếc xe cổ của anh, một thời khắc lịch sử sống lại ấn tượng, rõ ràng hơn cả ngàn lời thuyết minh.

 

“Gả” xe lấy biệt thự

 

Năm 1964, những chiếc xe như AU89, AV89 của gia đình Vinh là gia tài lớn. Cũng trong năm đó, gia đình anh đã “gả” đi một chiếc để đổi lấy ngôi biệt thự ở Phạm Đình Hổ. Vinh bảo, lúc đó có xe máy quý giá thế nhưng muốn bán cũng không dễ. Có người có xe cũng không có xăng để chạy. Phải đến tận những năm 1970, nhiều “đại gia” mới xuất hiện và có nhu cầu mua xe máy.

 

Năm 1980, vì cần tiền cho nhiều mục đích khác nên gia đình Vinh lại phải bán đi chiếc AV89. Đây là chiếc xe sản xuất năm 1956, được bố Vinh mang về nước năm 1964. Dù bận trăm công nghìn việc, buôn bán đủ thứ nghề nhưng Vinh chưa bao giờ thôi nhớ đến chiếc AV89.

 

Sau khi đã có chút ít tiền bạc, Vinh bắt đầu lặn lội đi tìm tung tích của nó. Vinh cũng chẳng mấy hy vọng là còn nhưng anh cũng quyết đi cho thoả mãn.

 

Bắt đầu từ người đầu tiên mua chiếc AV89, Vinh lại lặn lội đi Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng. Có gia đình mua xe nhưng lại chuyển nhà nên việc tìm kiếm của Vinh mất nhiều thời gian.

 

Suốt 14 năm dò hỏi liên tục, cuối cùng anh nhận được thông tin chiếc xe đang ở trong tay một người dân đất Cảng. Khỏi phải nói Vinh đã mừng ra sao khi biết tin đó. Ngay trong đêm, anh đã tìm về Hải Phòng và sớm hôm sau đến địa chỉ nhà còn giữ chiếc xe AV89.

 

“Đứa con lưu lạc” 14 năm

 

Xe cổ Hà Thành (II): “Gả” xe lấy biệt thự, 14 năm đi tìm - 2
Chiếc AV89 của Vinh

Nhìn thấy xe Vinh mừng đến rơi nước mắt, không chỉ đó là chiếc xe đẹp mà nó còn là kỷ vật của cả gia đình nhất là với bố anh, người đã “cõng” nó tận Pháp về Việt Nam. Chiếc AV89 lúc này đã cũ nát sau khi qua nhiều đời chủ, không thể đi lại, không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, với Vinh đó không phải là vấn đề lớn. Anh không chỉ mê xe mà còn là tay sửa xe có hạng.

 

Sau khi đã mất một khoản tiền lớn vào thời điểm năm 1994 để chuộc lại chiếc AV89, Vinh bắt đầu quá trình đại tu. Loại xe này hiếm, phụ tùng khó tìm, Vinh phải đi khắp nơi và mất mấy tháng liền chiếc xe mới “sống” lại được.

 

Vinh cho rằng, một chiếc xe cổ và có giá trị phải là “cổ toàn tập”, nghĩa là nguyên bản. Khi đã thay thế một chi tiết nhỏ dù là chiếc ốc cũng mất hết giá trị. Hơn nữa, cổ nhưng phải sử dụng được chứ cổ chỉ để trưng bày cho vui mắt thì cũng mất nhiều ý nghĩa.


Anh Vinh còn có những chiếc xe tuổi đời còn hơn AV89, như chiếc Trường Giang sản xuất vào giai đoạn 1939-1941; chiếc motobecan sản xuất năm 1951, độc đáo bởi phanh bên trái, số nằm bên phải; hay chiếc BMW đời 1938-1941 dung tích 750cc của Đức.

 

Tuy nhiên, Vinh vẫn “cưng” nhất là chiếc AV89, bởi anh đã mất rất nhiều công sức và thời gian cho nó và bởi nó là kỷ vật gia đình.

 

Theo Dũng Thủy Tiến

Bee