Xe bị trục trặc, dừng đỗ ở làn khẩn cấp thế nào cho an toàn?
Thời gian gần đây, nhiều vụ va chạm, thậm chí tai nạn chết người liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân do ô tô va chạm với xe đang dừng đỗ ở làn khẩn cấp. Vậy, trong tình huống này, chúng ta phải làm gì để an toàn?
Làn khẩn cấp nằm phía ngoài cùng bên phải, thường được thiết kế chạy dọc theo tuyến cao tốc hoặc quốc lộ có nhiều làn đường. Làn khẩn cấp thường có bề ngang hẹp hơn các làn đường chính và được phân biệt bằng vạch kẻ liền màu trắng.
Đây là làn đường có tác dụng cho những xe gặp sự cố dừng đỗ để sửa chữa hoặc chờ xe cứu hộ mà không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông những phương tiện khác.
Cần khẳng định rằng, làn dừng khẩn cấp không cho phép các loại xe hoạt động. Điểm c, khoản 1, điều 26 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định: "Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường".
Lái xe chỉ được dừng đỗ ở làn dừng khẩn cấp khi xe gặp trục trặc như chết máy, thay lốp,... hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe.
Tuy vậy, trên thực tế ở Việt Nam, việc các lái xe tùy tiện chạy trên làn đường này diễn ra khá phổ biến. Không ít vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do va chạm giữa phương đang di chuyển với xe đang dừng đỗ trên làn đường này.
Theo các chuyên gia, trong tình huống không may xe bị trục trặc, thủng lốp khi đi trên đường cao tốc, bạn bắt buộc bạn phải đánh xe về sát lề đường bên phải và dừng đỗ trên làn khẩn cấp. Để đảm bảo an toàn, lái xe nên thực hiện một số yêu cầu sau:
Tránh dừng đỗ ở những điểm khuất, đường giao nhau
Đầu tiên, khi gặp tình huống khẩn cấp và muốn dừng lại, tài xế nên nhanh chóng bật đèn cảnh báo nguy hiểm và bắt đầu chuyển làn dần về phía bên phải vào làn khẩn cấp. Điều này là vô cùng cần thiết để báo hiệu cho các xe ở phía sau đang di chuyển với tốc độ cao.
Cần lựa chọn những điểm đỗ xe phù hợp, thông thoáng, dễ quan sát. Tránh đỗ xe ở những điểm khuất, đường giao nhau.
Kéo phanh tay, bật đèn cảnh báo
Khi đã dừng đỗ xe trên đường cao tốc, bắt buộc bạn vẫn phải bật đèn cảnh báo để báo hiệu cho các phương tiện khác phía sau biết để phòng tránh. Đồng thời kéo phanh tay để đảm bảo chiếc xe cố định trên đường.
Đặt vật phản quang để báo hiệu từ xa
Bật đèn cảnh báo trên xe là cần nhưng chưa đủ. Để đảm bảo an toàn nhất và vào ban đêm, bạn nên dùng các vật có khả năng phát sáng như đèn cảnh báo, chóp phản quang,… đặt phía sau đuôi xe khoảng 15-25 mét theo phía mép trái của xe. Những dụng cụ này giúp các xe khác chú ý và sẽ tránh tối đa va chạm xảy ra.
Trong trường hợp không có những vật phản quang, bạn có thể dùng các dụng cụ khác như thùng nước, lốp xe, cành cây,… để cảnh báo. Lưu ý, nhớ cất hoặc để gọn những vật dụng này ngay trước khi xe của bạn di chuyển hoặc được cẩu kéo đi.
Không đứng ở phía sau xe
Trong thời gian sửa chữa hoặc chờ xe cứu hộ đến, tuyệt đối không đứng ở phía sau xe. Điều này rất nguy hiểm khi không may có một xe khác đi với tốc độ cao tiến đến và đâm vào. Các chuyên gia khuyên rằng, trong thời gian này, lái xe và hành khách vẫn nên ngồi trong xe hoặc đứng ở phía trước của xe.
Ngoài những lưu ý trên, các chuyên gia cũng khuyến cáo lái xe tuyệt đối không đi vào làn đường khẩn cấp, ngay cả trong trường hợp có tắc đường. Hành động này có thể tồn tại những rủi ro khôn lường như va chạm với xe đang dừng đỗ hoặc cản trở xe của các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.
Việc lái xe cố tình đi vào làn đường này còn có thể bị xử lý nghiêm với mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo khoản 5, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đồng thời bị tước GPLX từ 2-4 tháng.